Trong hoạt động bồi thường của Nhà nước thì các trường hợp nào không được bồi thường, hoãn giải quyết hoặc đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường?
- Trong phạm vi bồi thường theo trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì các thiệt hại nào không được bồi thường?
- Trong những trường hợp nào thì được hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước?
- Trong hoạt động bồi thường của Nhà nước thì đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện trong những trường hợp nào?
Trong phạm vi bồi thường theo trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì các thiệt hại nào không được bồi thường?
Căn cứ quy định tại Điều 2 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 như sau:
Đối tượng được bồi thường
Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này.
Theo đó thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra phải được bồi thường theo quy định và được xác định là trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Tuy nhiên không phải bất cứ thiệt hại nào cũng được bồi thường, mà căn cứ theo Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định những thiệt hại không được Nhà nước bồi thường bao gồm:
Nhà nước không bồi thường các thiệt hại sau đây:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép;
- Thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì thiệt hại được bồi thường là phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Ngoài các thiệt hại quy địnhtrên, trong hoạt động tố tụng hình sự, Nhà nước không bồi thường các thiệt hại sau đây:
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự;
- Thiệt hại xảy ra do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm;
- Thiệt hại xảy ra do người có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội phạm, bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố;
- Thiệt hại xảy ra do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử.
Ngoài ra trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đúng yêu cầu của người yêu cầu mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba. Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Và trong hoạt động thi hành án dân sự, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo đúng yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại. Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Theo đó nếu thuộc những trường hợp nêu trên thì nhà nước sẽ không bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Bồi thường của Nhà nước (Hình từ Internet)
Trong những trường hợp nào thì được hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 49 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định như sau:
Hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường
1. Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định hoãn giải quyết bồi thường trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người yêu cầu bồi thường đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường do ốm nặng có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên hoặc có lý do chính đáng khác mà không thể tự mình tham gia vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường.
...
Theo đó, hoãn giải quyết bồi thường nhà nước khi người yêu cầu bồi thường đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường do ốm nặng có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên hoặc có lý do chính đáng khác mà không thể tự mình tham gia vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường.
Trong hoạt động bồi thường của Nhà nước thì đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện trong những trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định như sau:
Đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường
1. Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có một trong các căn cứ sau đây:
a) Người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường trước khi cơ quan giải quyết bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại;
b) Người bị thiệt hại chết mà không có người thừa kế; tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại mà không có tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ;
c) Hết thời hạn tạm đình chỉ mà người yêu cầu bồi thường không đề nghị tiếp tục giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này hoặc có đề nghị tiếp tục giải quyết yêu cầu bồi thường nhưng có một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 50 của Luật này;
d) Có quyết định hủy quyết định giải quyết bồi thường trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này;
đ) Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biên bản về việc không nhận quyết định giải quyết bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật này mà người yêu cầu bồi thường không nhận quyết định giải quyết bồi thường.
...
Như vậy, trong hoạt động bồi thường của Nhà nước thì đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện trong những trường hợp như quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình cơ bản trong công tác nghiệm thu dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin? Tài liệu sau khi nghiệm thu phải được lưu trữ đúng không?
- Nội dung thi cụ thể Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc gồm những gì? Có mấy phần thi?
- Chính sách việc làm công được thực hiện qua đâu? Thứ tự ưu tiên đối tượng tham gia chính sách việc làm công thế nào?
- Công bố hợp quy là gì? Đối tượng của công bố hợp quy là gì? Công bố hợp quy dựa trên biện pháp gì?
- Quy định về thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 ra sao? Bên bảo lãnh có những quyền gì?