Trong hình sự, tự thú là gì? Khi người phạm tội đến tự thú, cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản và ghi rõ những thông tin nào?
Trong hình sự, tự thú là gì?
Tự thú là gì thì tại Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có giải thích như sau:
Giải thích từ ngữ
1. Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
a) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
b) Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
c) Người tham gia tố tụng là cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
d) Nguồn tin về tội phạm gồm tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện.
đ) Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
e) Người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người có quan hệ với người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
g) Đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
h) Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.
i) Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.
...
Như vậy, tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.
Lưu ý: Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.
Cần lưu ý giữa 2 khái niệm "Tự thú" và "Đầu thú" như sau:
"Tự thú" là việc tự nguyện khai báo về hành vi phạm tội trước khi bị phát hiện, còn "Đầu thú" là việc tự nguyện ra trình diện và khai báo sau khi bị phát hiện về hành vi phạm tội.
Trong hình sự, tự thú là gì? Khi người phạm tội đến tự thú, cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản và ghi rõ những thông tin nào? (Hình từ Internet)
Khi người phạm tội đến tự thú, cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản và ghi rõ những thông tin nào?
Căn cứ quy định tại Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
Người phạm tội tự thú, đầu thú
1. Khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú, đầu thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.
2. Trường hợp xác định tội phạm do người tự thú, đầu thú thực hiện không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì Cơ quan điều tra tiếp nhận người tự thú, đầu thú phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận, giải quyết.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Theo đó, khi người phạm tội đến tự thú, cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản và ghi rõ thông tin về họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú.
Và cơ quan tiếp nhận người phạm tội tự thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.
Lưu ý:
- Trường hợp xác định tội phạm do người tự thú thực hiện không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì Cơ quan điều tra tiếp nhận người tự thú phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận, giải quyết.
- Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người phạm tội tự thú, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Người bị tạm giữ có bao gồm người phạm tội tự thú không?
Căn cứ quy định tại Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
Người bị tạm giữ
1. Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
2. Người bị tạm giữ có quyền:
a) Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
d) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
...
Như vậy, theo quy định, người bị tạm giữ bao gồm người phạm tội tự thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?