Trong hệ thống điện quốc gia thao tác đóng, cắt máy cắt phải thực hiện như thế nào? Đối với dao cách ly được phép thao tác có điện khi nào?
Trong hệ thống điện quốc gia thao tác đóng, cắt máy cắt phải thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 20 Thông tư 44/2014/TT-BCT quy định quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành có quy định chung về thao tác máy cắt như sau:
Quy định chung về thao tác máy cắt
1. Máy cắt cho phép đóng, cắt phụ tải và ngắn mạch trong phạm vi khả năng cho phép của máy cắt. Thao tác đóng, cắt máy cắt phải thực hiện theo quy định của nhà chế tạo hoặc theo Quy trình thao tác thiết bị điện do Đơn vị quản lý vận hành ban hành.
2. Máy cắt phải được kiểm tra đủ tiêu chuẩn đóng cắt trước khi thao tác.
3. Máy cắt cần phải được đưa ra kiểm tra, bảo dưỡng (theo quy trình vận hành máy cắt hoặc hướng dẫn của nhà chế tạo) trong các trường hợp sau:
a) Đã cắt tổng dòng ngắn mạch đến mức quy định;
b) Số lần cắt ngắn mạch đến mức quy định;
c) Số lần thao tác đóng cắt đến mức quy định;
d) Thời gian vận hành đến mức quy định;
đ) Thông số vận hành không đạt các tiêu chuẩn của nhà chế tạo hoặc tiêu chuẩn quy định.
4. Chỉ cho phép thao tác máy cắt khi mạch điều khiển ở trạng thái tốt và không chạm đất. Trong trường hợp có chạm đất mạch điều khiển, chỉ cho phép tiến hành thao tác máy cắt khi xử lý sự cố.
5. Sau khi thao tác máy cắt, nếu sau đó có thao tác tại chỗ dao cách ly hai phía của máy cắt, nhân viên vận hành phải kiểm tra chỉ thị tại chỗ trạng thái và khoá mạch điều khiển của máy cắt.
6. Trước khi thao tác di chuyển máy cắt hợp bộ từ vị trí vận hành sang thí nghiệm hoặc ngược lại, nhân viên vận hành phải kiểm tra trạng thái mở của máy cắt hợp bộ.
7. Việc đóng cắt thử máy cắt được thực hiện khi đảm bảo được một trong các yêu cầu sau:
a) Các dao cách ly hai phía của máy cắt được cắt hoàn toàn và chỉ đóng dao tiếp địa hoặc tiếp địa di động ở một phía của máy cắt này;
b) Nếu đóng dao cách ly một phía của máy cắt, phải cắt tất cả các tiếp địa của ngăn máy cắt này và lưu ý các mạnh liên động, tự động được trang bị kèm.
8. Cho phép kiểm tra trạng thái máy cắt theo chỉ thị của tín hiệu và thông số đo lường tại phòng điều khiển mà không cần kiểm tra chỉ thị trạng thái tại chỗ trong các trường hợp sau:
a) Sau khi thao tác máy cắt, không thao tác dao cách ly hai phía của máy cắt này;
b) Sau khi thao tác máy cắt, việc thao tác dao cách ly hai phía máy cắt được thực hiện bằng điều khiển từ xa (tại phòng điều khiển trung tâm);
c) Thực hiện thao tác xa hoặc thao tác trong điều kiện thời tiết xấu.
9. Khi cần thiết, cho phép được cắt sự cố thêm đối với các máy cắt đã có tổng dòng cắt ngắn mạch hoặc có số lần cắt ngắn mạch đến mức quy định trong trường hợp đã kiểm tra máy cắt đủ tiêu chuẩn vận hành và được sự đồng ý của Giám đốc hoặc Phó giám đốc kỹ thuật Đơn vị quản lý vận hành.
Theo quy định trên thao tác đóng, cắt máy cắt phải thực hiện theo quy định của nhà chế tạo hoặc theo quy trình thao tác thiết bị điện do Đơn vị quản lý vận hành ban hành.
Trong hệ thống điện quốc gia thao tác đóng, cắt máy cắt phải thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Trong hệ thống điện quốc gia dao cách ly được phép thao tác có điện khi nào?
Tại khoản 1 Điều 21 Thông tư 44/2014/TT-BCT quy định quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia có nêu dao cách ly được phép thao tác có điện khi dòng điện thao tác nhỏ hơn dòng điện cho phép theo Quy trình vận hành dao cách ly do Đơn vị quản lý vận hành ban hành.
Cho phép dùng dao cách ly để tiến hành các thao tác có điện trong các trường hợp sau:
- Đóng và cắt điểm trung tính của các máy biến áp, kháng điện;
- Đóng và cắt các cuộn dập hồ quang khi trong lưới điện không có hiện tượng chạm đất;
- Đóng và cắt chuyển đổi thanh cái khi máy cắt hoặc dao cách ly liên lạc thanh cái đã đóng;
- Đóng và cắt không tải thanh cái hoặc đoạn thanh dẫn;
- Đóng và cắt dao cách ly nối tắt thiết bị;
- Đóng và cắt không tải máy biến điện áp, máy biến dòng điện;
- Các trường hợp đóng và cắt không tải các máy biến áp lực, các đường dây trên không, các đường cáp phải được Đơn vị quản lý vận hành cho phép theo quy định đối với từng loại dao cách ly;
- Các bộ truyền động cơ khí hoặc tự động của các dao cách ly dùng để đóng cắt dòng điện từ hóa, dòng điện nạp, dòng điện phụ tải, dòng điện cân bằng cần phải đảm bảo hành trình nhanh chóng và thao tác dứt khoát.
Trình tự thao tác dao cách ly hai phía máy cắt được quy định ra sao?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 21 Thông tư 44/2014/TT-BCT có quy định thao tác dao cách ly hai phía máy cắt thực hiện theo trình tự như sau:
(1) Trường hợp một phía máy cắt có điện áp, một phía không có điện áp
- Khi thao tác mở dao cách ly: Mở dao cách ly phía không có điện áp trước, mở dao cách ly phía có điện áp sau;
- Khi thao tác đóng dao cách ly: Đóng dao cách ly phía có điện áp trước, đóng dao cách ly phía không có điện áp sau.
(2) Trường hợp hai phía máy cắt đều có điện áp
- Khi thao tác mở dao cách ly: Mở dao cách ly phía nếu có sự cố xảy ra ít ảnh hưởng đến chế độ vận hành của hệ thống điện trước, mở dao cách ly kia sau;
- Khi thao tác đóng dao cách ly: Đóng dao cách ly phía nếu có sự cố xảy ra ảnh hưởng nhiều đến chế độ vận hành của hệ thống điện trước, đóng dao cách ly kia sau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đáp án Tuần 3 Cuộc thi tìm hiểu về Chuyển đổi số, Cải cách hành chính, Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mới nhất?
- Đề xuất miễn giảm thuế thu nhập cá nhân theo dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) thế nào?
- Danh mục thuốc nổ công nghiệp, phụ kiện nổ công nghiệp và thuốc nổ mạnh được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam từ 1/1/2025?
- Ngày 30 tháng 11 là ngày gì? Ngày 30 11 2024 là ngày mấy âm lịch? Ngày 30 tháng 11 năm 2024 là thứ mấy?
- Mẫu nhận xét các môn học tiểu học giữa kì 1 theo Thông tư 27 mới nhất năm 2024 như thế nào?