Trình tự điều chỉnh định mức dự toán của công trình? Việc điều chỉnh định mức dự toán được thực hiện trong trường hợp nào?
Việc điều chỉnh định mức dự toán được thực hiện trong trường hợp nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 10/2021/NĐ-CP thì định mức dự toán là mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công được xác định phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công và biện pháp thi công cụ thể để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng công trình;
Định mức dự toán được áp dụng, tham khảo để lập dự toán xây dựng, là căn cứ để xác định giá xây dựng công trình, làm cơ sở để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Đồng thời, căn cứ Điều 21 Nghị định 10/2021/NĐ-CP có quy định:
Xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán để áp dụng cho công trình
1. Việc xác định định mức dự toán mới cho công trình được thực hiện đối với các công tác xây dựng chưa được quy định hoặc đã được quy định nhưng sử dụng công nghệ thi công mới, biện pháp thi công, điều kiện thi công chưa quy định trong hệ thống định mức xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
2. Việc điều chỉnh định mức dự toán được thực hiện đối với công tác xây dựng đã quy định trong hệ thống định mức xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng chưa phù hợp với thiết kế, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công của công trình.
Theo đó, việc điều chỉnh định mức dự toán được thực hiện đối với công tác xây dựng đã quy định trong hệ thống định mức xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng chưa phù hợp với thiết kế, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công của công trình.
Việc điều chỉnh định mức dự toán được thực hiện trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Trình tự điều chỉnh định mức dự toán của công trình xây dựng?
Theo tiểu mục 2 Phần II Phụ lục III ban hành kèm Thông tư 13/2021/TT-BXD, căn cứ vào danh mục công tác xây dựng cần điều chỉnh định mức và tổng hợp báo cáo căn cứ điều chỉnh định mức, trình tự điều chỉnh định mức dự toán của công trình xây dựng thực hiện như sau:
Bước 1: Phân tích, so sánh về yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công cụ thể, thành phần công việc của công tác so với nội dung trong định mức dự toán được ban hành.
Bước 2: Căn cứ vào yêu cầu kỹ thuật, điều chỉnh thành phần hao phí định mức.
- Điều chỉnh hao phí vật liệu
+ Đối với những loại vật liệu cấu thành nên sản phẩm theo yêu cầu thiết kế thì căn cứ quy định, tiêu chuẩn thiết kế của công trình để tính toán điều chỉnh.
+ Đối với vật liệu phục vụ thi công thì điều chỉnh các yếu tố thành phần trong định mức dự toán ban hành, định mức dự toán công trình tương tự thì tính toán điều chỉnh hao phí vật liệu theo biện pháp thi công dự kiến.
- Điều chỉnh hao phí nhân công
Thành phần, hao phí nhân công được điều chỉnh căn cứ theo điều kiện tổ chức biện pháp thi công của công trình hoặc trên cơ sở định mức dự toán công trình tương tự đã thực hiện.
- Điều chỉnh hao phí máy thi công
Trường hợp thay đổi dây chuyền máy, thiết bị thi công theo điều kiện tổ chức của công trình khác với quy định trong định mức dự toán đã ban hành, định mức dự toán công trình tương tự thì tính toán điều chỉnh mức hao phí theo điều kiện tổ chức thi công của công trình.
Định mức dự toán của công trình xây dựng được xác định bằng các phương pháp nào?
Theo tiểu mục 2 Phần I Phụ lục III ban hành kèm Thông tư 13/2021/TT-BXD thì định mức dự toán của công trình xây dựng được xác định bằng các phương pháp sau:
(1) Tính toán theo hồ sơ thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, yêu cầu kỹ thuật và điều kiện thi công, biện pháp thi công được dự kiến.
(2) Theo số liệu thống kê của công trình đã thực hiện.
(3) Tổ chức khảo sát, thu thập số liệu từ thi công thực tế.
Căn cứ vào danh mục công tác xây dựng cần xác định định mức, trình tự xác định định mức thực hiện như sau:
Bước 1: Xác định tên, thành phần công việc và đơn vị tính.
- Mỗi định mức công tác xây dựng phải thể hiện rõ tên, loại công tác, thông số kỹ thuật (nếu có), biện pháp thi công, điều kiện thi công và đơn vị tính của định mức.
- Thành phần công việc cần thể hiện các bước thực hiện công tác theo quy trình tổ chức thi công xây dựng từ khi chuẩn bị đến khi hoàn thành, phù hợp với điều kiện, biện pháp thi công và phạm vi thực hiện công việc của công tác xây dựng.
Bước 2: Xác định hao phí vật liệu, nhân công và máy thi công.
Bước 3: Tổng hợp kết quả xác định định mức.
Trên cơ sở hao phí vật liệu, nhân công, máy thi công từng công đoạn, từng bước công việc, tổng hợp định mức theo nhóm, loại công tác hoặc kết cấu xây dựng; thực hiện mã hoá thống nhất trên cơ sở tổng hợp các khoản mục hao phí về vật liệu, nhân công và máy thi công, gồm các nội dung:
- Tên công tác; đơn vị tính của định mức; mã hiệu định mức.
- Quy định áp dụng.
- Thành phần công việc.
- Các thành phần hao phí của định mức và trị số định mức.
- Các ghi chú, chỉ dẫn khác (nếu có).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?
- Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn là gì? Yêu cầu chung về quản lý chất lượng như thế nào?
- Tổng hợp mẫu vẽ tranh vẽ ngày tết đơn giản 2025 đẹp nhất? Đánh giá định kỳ, thường xuyên học sinh tiểu học thế nào?