Thượng tôn Hiến pháp và Pháp luật nghĩa là gì? Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật?
Thượng tôn Hiến pháp và Pháp luật nghĩa là gì?
Thượng tôn Hiến pháp và Pháp luật được hiểu là việc đặt Hiến pháp và pháp luật lên trên hết, mọi người, tổ chức, kể cả các cơ quan nhà nước đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.
Theo Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Bộ Tư pháp năm 2024 ban hành kèm Quyết định 1311/QĐ-BTP thì một trong các mục đích của hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật là:
Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực công tác của Bộ Tư pháp; thiết thực đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đến mọi tầng lớp Nhân dân.
Cũng theo tiểu mục 2 Phần II Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Bộ Tư pháp năm 2024 ban hành kèm Quyết định 1311/QĐ-BTP, một trong các khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Pháp luật đó là:
Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Thượng tôn Hiến pháp và Pháp luật nghĩa là gì? (Hình từ Internet)
Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật đúng không?
Căn cứ Điều 8 Hiến pháp 2013 có quy định như sau:
Điều 8
1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.
Như vậy, theo quy định trên thì Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Theo đó:
- Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng. (Điều 46 Hiến pháp 2013)
- Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam. (Điều 48 Hiến pháp 2013)
Ai có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Hiến pháp 2013 thì Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Dẫn chiếu đến Điều 112 Hiến pháp 2013:
Điều 112
1. Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương.
3. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó.
Và Điều 115 Hiến pháp 2013 có quy định như sau:
Điều 115
1. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.
2. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.
Theo đó, Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.
Chính quyền địa phương có nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu bao nhiêu lượt khách lưu trú thì được công nhận khu du lịch cấp tỉnh?
- Thông thầu bao gồm các hành vi nào? Người có hành vi thông thầu bị đi tù không? Mức phạt tù cao nhất đối với hành vi thông thầu?
- Thông quan là gì? Hàng hóa được thông quan khi nào? Cụ thể quyền, nghĩa vụ người khai hải quan?
- Tổ chức Đảng vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo gây hậu quả ít nghiêm trọng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách trong trường hợp nào?
- 7 hành vi bị nghiêm cấm đối với người khai hải quan là những hành vi nào theo pháp luật hải quan?