Thời hạn bắt giữ tàu biển theo quyết định của Tòa án đã hết thì người có yêu cầu làm thủ tục gì để tàu biển được thả?
Căn cứ nào để thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải?
Theo Điều 22 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển 2008 quy định căn cứ thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải như sau:
- Tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải sẽ được thả ngay khi có một trong các căn cứ sau đây:
+ Sau khi chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu thực hiện những biện pháp bảo đảm thay thế hoặc thanh toán đủ khoản nợ;
+ Nghĩa vụ về tài sản của chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu đã có người khác bảo lãnh thực hiện thay hoặc có thư cam kết của tổ chức bảo hiểm có uy tín. Bộ Tài chính thông báo danh sách các tổ chức bảo hiểm có uy tín;
+ Theo yêu cầu của chính người đã yêu cầu bắt giữ tàu biển;
+ Quyết định bắt giữ tàu biển đã bị hủy;
+ Thời hạn bắt giữ tàu biển theo quyết định của Tòa án đã hết.
- Biện pháp bảo đảm thay thế do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp không có sự thỏa thuận giữa các bên về mức độ và hình thức bảo đảm thay thế thì Tòa án quyết định mức độ và hình thức bảo đảm thay thế, nhưng không được vượt quá giá trị tàu biển bị bắt giữ hoặc nghĩa vụ tài sản là căn cứ cho việc bắt giữ tàu biển trong trường hợp nghĩa vụ tài sản nhỏ hơn giá trị của tàu biển.
Văn bản yêu cầu thả tàu biển
Văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ có những nội dung gì?
Căn cứ tại Điều 23 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển 2008 quy định như sau:
- Khi có một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 22 của Pháp lệnh này, chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu, thuyền trưởng, người đã yêu cầu bắt giữ tàu biển và những người khác có liên quan có quyền yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ. Yêu cầu thả tàu biển phải được thể hiện bằng văn bản.
- Văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm văn bản yêu cầu;
+ Tên Tòa án nhận văn bản yêu cầu;
+ Tên, địa chỉ của người yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ;
+ Tên, quốc tịch, số IMO, trọng tải và các đặc điểm khác của tàu biển đang bị bắt giữ; bến cảng nơi tàu biển bị bắt giữ đang hoạt động hàng hải;
+ Số, ngày, tháng, năm của quyết định bắt giữ tàu biển và Tòa án đã ra quyết định đó;
+ Lý do yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ;
+ Cam đoan của người yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ.
Thời hạn bắt giữ tàu biển theo quyết định của Tòa án đã hết thì phải làm thủ tục gì để tàu biển được thả?
Điều 24 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển 2008 quy định người yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải gửi văn bản và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án đã ra quyết định bắt giữ tàu biển đó.
Bên cạnh đó, tại Điều 25 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển 2008 quy định quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải như sau:
- Ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán giải quyết việc thả tàu biển.
- Trong thời hạn hai mươi bốn giờ kể từ thời điểm nhận được văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy có căn cứ thì Thẩm phán được phân công giải quyết việc thả tàu biển phải xem xét và ra quyết định thả tàu biển. Trường hợp không chấp nhận vì không có căn cứ thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu thả tàu biển biết, trong đó nêu rõ lý do của việc không chấp nhận yêu cầu thả tàu biển.
- Quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm ra quyết định;
+ Tên Tòa án ra quyết định;
+ Căn cứ pháp luật để Tòa án ra quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ;
+ Tên, quốc tịch, số IMO, trọng tải và các đặc điểm khác của tàu biển đang bị bắt giữ, bến cảng nơi tàu biển bị bắt giữ đang hoạt động hàng hải;
+ Tên, địa chỉ và quốc tịch của chủ tàu;
+ Tên, địa chỉ và quốc tịch của người thuê tàu hoặc người khai thác tàu;
+ Tên, địa chỉ và quốc tịch của thuyền trưởng;
+ Lý do để thả tàu biển đang bị bắt giữ;
+ Các quyết định của Tòa án.
- Quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải có hiệu lực thi hành ngay.
- Tòa án phải giao hai bản quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải cho Giám đốc Cảng vụ để thi hành theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này; gửi ngay quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp; cấp hoặc gửi ngay quyết định đó cho người yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ; gửi ngay quyết định đó cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam trong trường hợp tàu biển bị bắt giữ được thả có yếu tố nước ngoài.
Như vậy, khi có căn cứ thả tàu biển đang bị bắt giữ thì người có yêu cầu làm văn bản gửi đến cơ quan có thẩm quyền để ra quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?