Thời gian xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững là bao lâu? Hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững được yêu cầu thế nào?
Thời gian xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững được quy định thế nào?
Hiện tại thì không có quy định về thời gian xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững, chỉ quy định về thời gian thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.
Cụ thể theo Điều 3 Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý rừng bền vững do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có nội dung như sau:
Xây dựng, thực hiện và điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững
1. Chủ rừng có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Lâm nghiệp.
2. Chủ rừng tự xây dựng hoặc thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.
3. Thời gian thực hiện phương án quản lý rừng bền vững tối đa là 10 năm kể từ ngày phương án được phê duyệt. Trường hợp khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh diện tích rừng, đất lâm nghiệp có ảnh hưởng đến mục đích sử dụng của khu rừng hoặc khi chủ rừng có nhu cầu thay đổi kế hoạch quản lý, sản xuất, kinh doanh chủ rừng phải điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với những nội dung điều chỉnh.
Theo đó thì thời gian thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững tối đa là 10 năm kể từ ngày phương án được phê duyệt.
Phương án Quản lý rừng bền vững (Hình từ Internet)
Hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững được yêu cầu thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT có quy định:
Hồ sơ, tài liệu, bản đồ phục vụ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững
1. Hồ sơ, tài liệu, bản đồ phục vụ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững phải có nguồn gốc hợp pháp và còn hiệu lực áp dụng.
2. Hồ sơ, tài liệu, bản đồ được thu thập, điều tra trực tiếp hoặc kế thừa từ hồ sơ, tài liệu, bản đồ sẵn có đến thời điểm lập phương án quản lý rừng bền vững, trường hợp có thay đổi phải điều tra, thống kê, cập nhật bổ sung.
3. Các loại bản đồ, tỷ lệ bản đồ của phương án quản lý rừng bền vững:
a) Các loại bản đồ gồm: bản đồ hiện trạng rừng theo tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 11565:2016 ; bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Tỷ lệ bản đồ: 1/5.000 hoặc 1/10.000 hoặc 1/25.000 hoặc 1/50.000 theo hệ quy chiếu VN 2000 do chủ rừng tự chọn loại tỷ lệ bản đồ phù hợp với quy mô diện tích của khu rừng.
Theo đó thì hồ sơ , tài liệu phục vụ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững phải có nguồn gốc hợp pháp và còn hiệu lực áp dụng.
Hồ sơ, tài liệu được thu thập, điều tra trực tiếp hoặc kế thừa từ hồ sơ, tài liệu sẵn có đến thời điểm lập phương án quản lý rừng bền vững, trường hợp có thay đổi phải điều tra, thống kê, cập nhật bổ sung.
Cơ quan nào có trách nhiệm hướng dẫn chủ rừng xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững?
Tại Điều 18 Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp có nêu:
Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp
1. Tổng cục Lâm nghiệp:
a) Trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn phổ biến quản lý rừng bền vững quốc tế;
b) Tập huấn, hướng dẫn việc xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong phạm vi cả nước;
c) Kiểm tra việc xây dựng, phê duyệt, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng và kiểm tra, thanh tra hoạt động của Tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Điều 27 của Luật Lâm nghiệp và quy định tại Thông tư này;
b) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình duyệt phương án quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư này;
c) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bố trí nguồn vốn và hướng dẫn sử dụng kinh phí xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững theo quy định của pháp luật.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững;
b) Phối hợp với các cơ quan liên quan, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng;
c) Hằng năm trước ngày 15 tháng 12, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Lâm nghiệp) kết quả xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh.
...
Theo đó thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không nộp tiền sử dụng đất nhưng không bị thu hồi đất trong trường hợp nào? Áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất trong trường hợp nào?
- Giấy tờ tài liệu nào thuộc phạm vi thực hiện số hóa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Đăng tải thông tin tiết lộ nội dung hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành trái quy định pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
- Việc ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành được thực hiện thế nào?
- Tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng trong trường hợp nào? Chi phí thanh lý rừng trồng được thực hiện như thế nào?