Theo quy định của pháp luật hiện hành, giấy phép lái xe hạng D chỉ có thời hạn tối đa đến năm 55 tuổi đối với nam là đúng hay sai?
- Tuổi của người lái xe nếu muốn được cấp giấy phép lái xe theo quy định hiện hành là bao nhiêu?
- Trường hợp nào đủ điều kiện để được cấp giấy phép lái xe hạng D?
- Thời hạn của giấy phép lái xe hạng D được quy định như thế nào?
- Giấy phép lái xe hạng D đối với nam chỉ có thời hạn đến năm 55 tuổi là đúng hay sai?
Tuổi của người lái xe nếu muốn được cấp giấy phép lái xe theo quy định hiện hành là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, tuổi của người lái xe được quy định cụ thể như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Bên cạnh đó tại khoản 2 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, pháp luật còn quy định về sức khỏe của người lái xe như sau:
"2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe"
Trường hợp nào đủ điều kiện để được cấp giấy phép lái xe hạng D?
Căn cứ quy định tại khoản 9 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về phân hạng giấy phép lái xe, giấy phép lái xe hạng D được cấp cho người lái xe để điều khiển những loại xe sau:
- Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.
Dẫn chiếu đến quy định về các loại xe cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C theo quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, bao gồm:
(1) Hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
c) Ô tô dùng cho người khuyết tật.
(2) Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
c) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
(3) Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
(4) Hạng C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
b) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
c) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.
Như vậy, giấy phép lái xe hạng D được cấp trong trường hợp người lái xe điều khiển các loại xe nói trên.
Thời hạn của giấy phép lái xe hạng D được quy định như thế nào?
Thời hạn của giấy phép lái xe hạng D
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT, thời hạn của giấy phép lái xe được quy định như sau:
"Điều 17. Thời hạn của giấy phép lái xe
1. Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
2. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
3. Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
4. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
5. Thời hạn của giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép lái xe.”
Dựa vào quy định trên, có thể thấy giấy phép lái xe hạng D có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
Giấy phép lái xe hạng D đối với nam chỉ có thời hạn đến năm 55 tuổi là đúng hay sai?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, giới hạn độ tuổi cho người lái xe chỉ áp dụng trong trường hợp người lái xe ô tô trên 30 chỗ ngồi đối với nam là 55 tuổi.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 10, điểm d khoản 11 và khoản 13 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT như sau:
"10. Hạng E cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi;
b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D.
...12. Hạng F cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa, được quy định cụ thể như sau:
..
d) Hạng FE cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.
13. Hạng giấy phép lái xe sử dụng cho người lái xe ô tô khách giường nằm, ô tô khách thành phố (sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt) thực hiện theo quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều này. Số chỗ ngồi trên xe được tính theo số chỗ trên xe ô tô khách cùng kiểu loại hoặc xe ô tô có kích thước giới hạn tương đương chỉ bố trí ghế ngồi."
Có thể thấy, người lái xe ô tô trên 30 chỗ ngồi sẽ được cấp giấy phép lái xe hạng E. Đồng thời, người có giấy phép lái xe hạng FE và hạng giấy phép lái xe sử dụng cho người lái xe ô tô khách giường nằm, ô tô khách thành phố có thể điều khiển xe xe ô tô chở trên 30 chỗ ngồi (đối với hạng giấy phép lái xe sử dụng cho người lái xe ô tô khách giường nằm, ô tô khách thành phố thì số chỗ ngồi trên xe được tính theo số chỗ trên xe ô tô khách cùng kiểu loại hoặc xe ô tô có kích thước giới hạn tương đương chỉ bố trí ghế ngồi). Do đó, người lái xe khách hạng D không được phép điều khiển xe ô tô trên 30 chỗ ngồi. Như vậy, tuổi của người lái xe không áp dụng đối với trường hợp người lái xe có giấy phép lái xe hạng D.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương kết nối các tuyến đường sắt mới nhất hiện nay là mẫu nào?
- Đáp án tuần 1: Đáp án cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu 75 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc chi tiết, mới nhất?
- Năm 2025 tiếp tục tăng lương cơ sở 30% hay bỏ lương cơ sở xây dựng 5 bảng lương mới đối với CBCCVC và LLVT?
- Gọi điện báo cháy số nào? Gọi xe đến chữa cháy có tốn tiền không? Báo cháy chậm trễ hay báo cháy giả bị phạt thế nào?
- Hồ sơ, thủ tục thành lập hội từ ngày 26/11/2024 gồm những gì? Nội dung chính của điều lệ hội như thế nào?