Thành viên sáng lập công ty cổ phần có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho người ngoài công ty hay không?
Thành viên sáng lập công ty cổ phần có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho người ngoài công ty hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về chuyển nhượng cổ phần như sau:
Chuyển nhượng cổ phần
1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
...
Dẫn chiếu khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập như sau:
Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập
...
3. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.
Theo đó, nếu anh chuyển nhượng trong thời gian 3 năm từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì anh chỉ được chuyển nhượng cho một người khác ngoài công ty nếu được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận. Nếu Đại hội đồng cổ đông không chấp thuận thì anh không được phép chuyển nhượng.
Còn nếu công ty anh đã thành lập hơn 3 năm thì sẽ không bị hạn chế nêu trên nữa. Lúc này, anh chỉ cần rà soát thêm trong Điều lệ công ty có hạn chế nào khác hay không. Nếu không có thì anh có thể chuyển nhượng cho người khác một cách bình thường.
Công ty cổ phần (hình từ Internet)
Việc chuyển nhượng cổ phần của thành viên công ty cổ phần được thực hiện như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc thưc hiện chuyển nhượng cổ phần như sau:
Chuyển nhượng cổ phần
...
2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
...
Theo quy định trên thì anh sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng với bên mua như hợp đồng mua bán tài sản thông thường (nếu cổ phần công ty anh chưa niêm yết).
Sau khi ký hợp đồng xong thì yêu cầu phía công ty ghi nhận thông tin cổ đông mới vào sổ cổ đông. Kể từ thời điểm cập nhật thông tin thì cổ đông sẽ thay đổi.
Nếu người mua không phải là thương nhân nước ngoài thì không có thủ tục nào với cơ quan đăng ký kinh doanh. Anh là bên bán thì sẽ phải lưu ý thêm thủ tục kê khai thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần.
Người nhận cổ phần chuyển nhượng được xem là thành viên công ty cổ phần từ thời điểm nào?
Căn cứ khoản 6 và khoản 7 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc trở thành thành viên công ty cổ phần như sau:
Chuyển nhượng cổ phần
...
6. Cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.
7. Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.
Dẫn chiếu khoản 2 Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về sổ đăng ký cổ đông như sau:
Sổ đăng ký cổ đông
...
2. Sổ đăng ký cổ đông phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
b) Tổng số cổ phần được quyền chào bán, loại cổ phần được quyền chào bán và số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;
c) Tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đã góp;
d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
đ) Số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần.
...
Như vậy, cá nhân nhận cổ phần chuyển nhượng từ thành viên công ty cổ phần chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của cá nhân được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông và phải đầy đủ các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- Tổng số cổ phần được quyền chào bán, loại cổ phần được quyền chào bán và số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;
- Tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đã góp;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
- Số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần.
Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công trình xây dựng có quy mô lớn thì tiến độ xây dựng công trình cần phải được lập như thế nào?
- Cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới đối với công trình xây dựng thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được không?
- Mẫu công văn từ chối nhận hàng dành cho bên mua mới nhất? Bên mua chỉ có quyền từ chối nhận hàng khi nào?
- Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 ra sao? Hồ sơ đề nghị bảo lãnh bao gồm những gì?
- Kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 2025? Thi học sinh giỏi quốc gia có bao nhiêu giải?