Tết dương lịch người dân có được tổ chức đốt pháo nổ hay không? Đốt pháo nổ trái quy định có bị phạt tù?
Tết dương lịch người dân có được tổ chức đốt pháo nổ hay không?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.
Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian; pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;
Pháo hoa nổ cũng là một dạng pháo nổ, pháo hoa nổ gồm có dạng sau đây:
- Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m.
- Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
Theo đó, người dân không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ.
Đối với pháo hoa nổ, chỉ những tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ mới được nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển và sử dụng.
Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ như sau:
Trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ
1. Pháo hoa, pháo hoa nổ được sử dụng theo quy định tại Điều 11 và Điều 17 Nghị định này.
2. Các cơ quan, tổ chức sử dụng pháo hoa nổ để biểu diễn, thi đấu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp.
Theo đó, những trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ được quy định tại Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP) gồm có:
(1) Tết Nguyên đán
(2) Giỗ Tổ Hùng Vương
(3) Ngày Quốc khánh
(4) Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
(5) Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch)
(6) Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
(7) Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.
(8) Trường hợp khác do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định sau khi có văn bản trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Như vậy, người dân không được phép tổ chức đốt pháo nổ vào dịp Tết Dương lịch.
Tết dương lịch người dân có được tổ chức đốt pháo nổ hay không? Đốt pháo hoa nổ trái quy định có bị phạt tù? (Hình từ Internet)
Đốt pháo nổ trái quy định vào dịp Tết Dương lịch có bị phạt hành chính?
Theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm
...
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;
...
Như đã phân tích, người dân không được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ.
Theo đó, hành vi đốt pháo nổ không đúng quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đây là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Có phạt tù đối với hành vi đốt pháo nổ trái quy định vào dịp Tết Dương lịch?
Theo Mục II Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo, hành vi đốt pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự 1999.
Hiện tại Thông tư này vẫn còn được áp dụng, đối chiếu với quy định hiện hành, tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, do đó có thể xác định khung hình phạt đối với hành vi đốt pháo nổ trái quy định vào dịp Tết Dương lịch như sau:
- Đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, tức là bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
+ Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;
+ Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;
+ Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;
+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;
+ Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, tức là bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Đã bị kết án về tội “gây rối trật tự công cộng” theo mục 1 phần II Thông tư này;
+ Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo;
+ Cản trở, hành hung người can ngăn (gồm người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ);
+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,5 kg thuốc pháo trở lên.
Người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật này, tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra.
Ví dụ: Nếu đốt pháo nổ gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác đến mức phải xử lý hình sự thì
+ Vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015,
+ Vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Biên tập viên hạng 1 lĩnh vực xuất bản chỉ đạo việc phối hợp giữa biên tập viên các bộ phận nào để bản thảo đi in đạt yêu cầu chất lượng xuất bản phẩm?
- Quán net được mở đến mấy giờ? Quán net không được hoạt động từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau đúng không?
- Thành viên trong nhóm người sử dụng đất muốn chuyển nhượng đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì xử lý như thế nào?
- Kinh phí khuyến công quốc gia đảm bảo chi cho những hoạt động khuyến công do cơ quan nào thực hiện?
- Người nộp thuế có được yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình không?