Tài sản góp vốn bao gồm gì? Định giá tài sản góp vốn được quy định ra sao? Xử lý hậu quả định sai giá trị tài sản góp vốn như thế nào?
Tài sản góp vốn bao gồm những loại tài sản nào?
Căn cứ Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản góp vốn như sau:
“Điều 34. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”
Theo khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về góp vốn như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
18.Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.”
Như vậy, tài sản góp vốn dùng để góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm các tài sản là Đồng Việt Nam hoặc tài sản có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Định giá tài sản góp vốn quy định như thế nào?
Theo Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về định giá tài sản góp vốn như sau:
- Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
- Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
- Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Như vậy, doanh nghiệp có trách nhiệm định giá tài sản đúng với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn và trong quá trình hoạt động.
Tài sản góp vốn bao gồm gì?
Hậu quả pháp lý khi định giá sai tài sản góp vốn?
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm về thành lập doanh nghiệp như sau:
“Điều 46. Vi phạm về thành lập doanh nghiệp
…
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
…
b) Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.”
Lưu ý: Mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 2 Điều 4 Nghị định này).
Và căn cứ Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 như trên thì:
- Khi thành lập doanh nghiệp: Tài sản góp vốn định sai thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
- Trong quá trình hoạt động: Tài sản góp vốn định sai thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Như vậy, khi thành lập doanh nghiệp, bạn đã định giá tài sản và đã thống nhất được giá trị tài sản thì khi định sai giá tài sản góp vốn, trách nhiệm sẽ thuộc về tất cả các thành viên sáng lập, tức bạn và bạn của bạn. Và do không phải là hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị nên bạn và bạn thân chỉ có trách nhiệm góp thêm khoản tiền còn thiếu và hậu quả khác (nếu có).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi được giao thêm đất theo Luật Đất đai mới đúng không?
- Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư có cung cấp các dịch vụ bảo vệ không? Ai có trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư?
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản mới nhất theo quy định hiện nay?
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?