Sau thời gian nghỉ việc hưởng chế độ tai nạn lao động, nếu sức khỏe vẫn còn rất yếu thì người lao động có được tiếp tục nghỉ thêm để dưỡng sức hay không?
- Quy định của pháp luật về việc nghỉ dưỡng sức sau khi điều trị tai nạn lao động
- Thời gian hưởng và mức hưởng cho những ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
- Khoản chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe có Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả không?
- Công ty không cho phép người lao động nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động thì bị xử lý như thế nào?
Quy định của pháp luật về việc nghỉ dưỡng sức sau khi điều trị tai nạn lao động
Theo Khoản 1 Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2014 quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật như sau:
- Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, nếu xét thấy sức khỏe còn yếu sau khi điều trị tai nạn lao động, thì bạn có thể xin công ty cho nghỉ thêm để dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Nếu sức khỏe vẫn còn rất yếu thì người lao động có được tiếp tục nghỉ thêm để dưỡng sức hay không?
Thời gian hưởng và mức hưởng cho những ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
Thời gian nghỉ phục hồi sức khỏe cần đáp ứng thời gian nghỉ tối đa theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, số ngày nghỉ được xác định như sau:
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
+ Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
+ Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;
+ Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.
Theo khoản 3 Điều này quy định người lao động quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Mức lương cơ sở theo quy định hiện hành là 1.490.000 đồng. Theo đó, để tính số tiền bạn được hưởng khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, bạn có thể tham khảo công thức tính sau đây:
Mức hưởng = số ngày nghỉ x 1.4990.000 x 30%
Khoản chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe có Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả không?
Căn cứ Điều 42 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, quy định về sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Luật này; trả phí khám giám định đối với trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Chi trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.
- Chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
- Chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
- Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc.
- Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
- Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Theo đó, khoản chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe là một trong những khoản chi mà bảo hiểm xã hội nói chung và Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nói riêng sẽ chịu trách nhiệm chi trả.
Công ty không cho phép người lao động nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động thì bị xử lý như thế nào?
Theo điểm a khoản 4 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động.
Theo đó, mức phạt tiền này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Tóm lại, sau khi bị tai nạn lao động, người lao động có quyền được nghỉ dưỡng sức, phục hồi nếu xét thấy sức khỏe vẫn chưa được đảm bảo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đăng tải thông tin tiết lộ nội dung hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành trái quy định pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
- Việc ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành được thực hiện thế nào?
- Tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng trong trường hợp nào? Chi phí thanh lý rừng trồng được thực hiện như thế nào?
- Mã dự án đầu tư công trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công có phải là mã số định danh duy nhất?
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền và nghĩa vụ gì trong quan hệ lao động? Được thành lập nhằm mục đích gì?