Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận gì? Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có những nội dung nào?
Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận gì?
Điều kiện quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm được quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 như sau:
Điều kiện quảng cáo
...
4. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
...
d) Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật này phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;
đ) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;
e) Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;
g) Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu;
...
Như vậy, theo quy định, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc;
Giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn.
Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận gì? (Hình từ Internet)
Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có những nội dung nào?
Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP như sau:
Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
2. Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây:
a) Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm;
b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
3. Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây:
a) Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);
b) Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
...
Như vậy, theo quy định, nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có:
(1) Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm;
(2) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà không có cảnh báo đối tượng không được sử dụng thì bị phạt đến 15 triệu đúng không?
Hình thức xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm được quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm b khoản 15 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP) như sau:
Vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;
b) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; khuyến cáo về nguy cơ, cảnh báo đối tượng không được sử dụng theo một trong các tài liệu quy định đối với thực phẩm chức năng; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
...
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 10; các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 10a; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
...
Như vậy, theo quy định, trường hợp quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà không khuyến cáo về nguy cơ, cảnh báo đối tượng không được sử dụng theo một trong các tài liệu quy định đối với thực phẩm chức năng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Tuy nhiên, mức phạt nên trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt sẽ gấp 02 lần.
Cũng tức là nếu tổ chức quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà không khuyến cáo về nguy cơ, cảnh báo đối tượng không được sử dụng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tối đa là 30.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thiết kế sơ bộ trong xây dựng là thiết kế thể hiện những gì? Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng?
- Nguồn phát thải khí nhà kính là gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng gồm những gì?
- Công bố hợp chuẩn là gì? Thủ tục công bố hợp chuẩn gồm bước nào? Đối tượng của công bố hợp chuẩn là gì?
- Cục Công nghệ thông tin thuộc Kiểm toán nhà nước có trụ sở ở đâu? Gồm có những đơn vị nào theo quy định?
- Danh mục 06 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 13? Yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính?