Phá dỡ công trình xây dựng là gì? Trách nhiệm của các bên trong việc phá dỡ công trình xây dựng thế nào?
Phá dỡ công trình xây dựng là gì?
Phá dỡ công trình xây dựng là quá trình loại bỏ toàn bộ hoặc một phần các cấu trúc, công trình xây dựng đã được dựng lên trước đó. Đây là một giai đoạn quan trọng trong lĩnh vực xây dựng, thường diễn ra trước khi xây dựng mới, cải tạo hoặc khi công trình không còn đáp ứng yêu cầu an toàn, thẩm mỹ hoặc mục đích sử dụng.
(Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020), việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình mới hoặc công trình xây dựng tạm;
- Công trình có nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận; công trình phải phá dỡ khẩn cấp nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Công trình xây dựng trong khu vực cấm xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Xây dựng 2014;
- Công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng;
- Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;
- Nhà ở riêng lẻ có nhu cầu phá dỡ để xây dựng mới.
Phá dỡ công trình xây dựng là gì? Trách nhiệm của các bên trong việc phá dỡ công trình xây dựng thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự thực hiện phá dỡ công trình xây dựng như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020), trình tự thực hiện phá dỡ công trình xây dựng như sau:
Bước 1: Lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng. Trường hợp công trình thuộc diện phải có quyết định phá dỡ, cưỡng chế phá dỡ thì phải có quyết định phá dỡ hoặc quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng;
Bước 2: Thẩm tra, phê duyệt thiết kế phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng đối với công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng;
Bước 3: Tổ chức thi công phá dỡ công trình xây dựng;
Bước 4: Tổ chức giám sát, nghiệm thu công tác phá dỡ công trình xây dựng.
Trách nhiệm của các bên trong việc phá dỡ công trình xây dựng được quy định ra sao?
Trách nhiệm của các bên trong việc phá dỡ công trình xây dựng được quy định tại khoản 3 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020), cụ thể như sau:
(1) Chủ đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình hoặc người được giao nhiệm vụ chủ trì phá dỡ công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo trình tự quy định tại khoản 2 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020);
Tự thực hiện nếu có đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện lập, thẩm tra thiết kế phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng và thực hiện thi công phá dỡ công trình xây dựng; chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
(2) Nhà thầu được giao thực hiện việc phá dỡ công trình có trách nhiệm lập biện pháp thi công phá dỡ công trình phù hợp với phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt; thực hiện thi công phá dỡ công trình theo đúng biện pháp thi công và quyết định phá dỡ hoặc quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng (nếu có);
Thực hiện theo dõi, quan trắc công trình; bảo đảm an toàn cho con người, tài sản, công trình và các công trình lân cận; chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
(3) Người có thẩm quyền quyết định phá dỡ công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do không ban hành quyết định, ban hành quyết định không kịp thời hoặc ban hành quyết định trái với quy định của pháp luật;
(4) Tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc đang sử dụng công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ phải chấp hành quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng bao gồm các nội dung chính sau:
- Căn cứ lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng;
- Thông tin chung về công trình, hạng mục công trình phải phá dỡ;
- Danh mục các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng;
- Thiết kế phương án phá dỡ;
- Tiến độ, kinh phí thực hiện phá dỡ;
- Các nội dung khác để thực hiện phá dỡ (nếu có).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy định 225-QĐ/TW về giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ra sao?
- Người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không phải khai tổng hợp trong những trường hợp nào?
- Hồ sơ đề nghị bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 bao gồm những gì? Quy định về cam kết bảo lãnh ra sao?
- Các đài truyền hình ngừng phát sóng theo Kế hoạch 141 về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy?
- Hệ số trượt giá BHXH năm 2025 mới nhất như thế nào? Trường hợp nào người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc?