Nợ tiền sử dụng đất có được xây dựng nhà ở trên đất không? Xin giấy phép xây dựng ở đâu? Hồ sơ bao gồm những giấy tờ gì?
Nợ tiền sử dụng đất có được xây dựng nhà ở trên đất không?
Tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 quy định về thời điểm thực hiện các quyền của người sử dụng đất quy định như sau:
- Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
Như vậy, theo quy định trên, khi nợ tiền sử dụng đất, người sử dụng đất sẽ bị hạn chế các quyền của mình đó là quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất mà không bị hạn chế về việc xin cấp phép xây dựng trên đất đó. Do đó, khi bạn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bạn vẫn được phép xây dựng nhà và xin giấy phép xây dựng.
Nợ tiền sử dụng đất có được xây dựng nhà ở trên đất không? Xin giấy phép xây dựng ở đâu?
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng?
Căn cứ theo quy tại Điều 103 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định về thẩm quyền cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình quy định tại khoản 3 Điều này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng do mình cấp.
- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng không thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp không đúng quy định thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quyết định thu hồi giấy phép xây dựng.
Như vậy, theo quy định này thì việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực đô thị thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất. Do đó, nếu bạn muốn xin cấp Giấy phép xây dựng thì bạn phải nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện/ quận/ thành phố nơi bạn đang ở.
Thành phần hồ sơ phải nộp khi xin cấp Giấy phép xây dựng gồm những gì?
(1) Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng 2014 quy định về quy trình cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn giấy phép xây dựng như sau:
1. Quy trình cấp giấy phép xây dựng và điều chỉnh giấy phép xây dựng được quy định như sau:
a) Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng;”
Như vậy, theo quy định này thì bạn xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực đô thị thì bạn cần phải chuẩn bị 2 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng để gửi tới cơ quan có thẩm quyền.
(2) Về thành phần hồ sơ được quy định tại Điều 46 Nghị định 15/2021/NĐ-CP theo đó bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ gồm những giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định này.
- Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng kèm theo Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy kèm theo bản vẽ thẩm duyệt trong trường hợp pháp luật về phòng cháy và chữa cháy có yêu cầu; báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng trong trường hợp pháp luật về xây dựng có yêu cầu, gồm:
+ Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất kèm theo sơ đồ vị trí công trình;
+ Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình;
+ Bản vẽ mặt bằng móng và mặt cắt móng kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình gồm cấp nước, thoát nước, cấp điện;
+ Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
- Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương và khoản 3 Điều này Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố mẫu bản vẽ thiết kế để hộ gia đình, cá nhân tham khảo khi tự lập thiết kế xây dựng theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 79 của Luật Xây dựng năm 2014.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi liên quan đến nội dung xây dựng nhà ở mà bạn quan tâm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản thẩm định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke (dịch vụ vũ trường) mới nhất hiện nay?
- Mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng cuối năm mới nhất? Tải mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng ở đâu?
- Người đại diện cố ý thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm gì?
- Hướng dẫn tự đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp? Tải về Mẫu phiếu tự đánh giá mới nhất?
- Hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước của tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?