Những hành vi nào bị cấm khi thuê người giúp việc? Chủ nhà có được giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc không?
Người giúp việc gia đình được hiểu như thế nào theo quy định pháp luật?
Căn cứ khoản 1 Điều 161 Bộ luật Lao động 2019 được hướng dẫn bởi Chương X Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về lao động là người giúp việc gia đình như sau:
Lao động là người giúp việc gia đình
1. Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.
Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
...
Như vậy, người giúp việc gia đình được hiểu là người lao động thường xuyên làm các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc đó có thể là công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, người bệnh, người già...
Những hành vi nào bị cấm khi thuê người giúp việc? Chủ nhà có được giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc không?
Những hành vi nào bị cấm khi thuê người giúp việc? Chủ nhà có được giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc không?
Căn cứ Điều 165 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động khi thuê người giúp việc gia đình như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động
1. Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.
2. Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.
3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.
Như vậy, người sử dụng lao động không được thực hiện các hành vi sau khi thuê người giúp việc gia đình:
- Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình:
Đây là nhóm hành vi xâm hại đến thể xác và tinh thần của họ. Đối với người lao động là người giúp việc tại gia đình, do môi trường làm việc cũng như công việc của họ là người giúp việc tại gia đình, người lao động khó có khả năng phản kháng với người sử dụng lao động.
Những hành vi này không chỉ bị cấm trong lĩnh vực lao động, mà có thể trở thành hành vi khách quan cấu thành tội phạm hình sự, vì vậy việc thực hiện các hành vi này dù trong môi trường lao động hay không cũng vô cùng nghiêm trọng.
- Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động:
Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận rõ ràng công việc mà người lao động phải thực hiện khi giao kết hợp đồng lao động. Đối với hợp đồng lao động với người lao động là người giúp việc, càng cần phải thỏa thuận chi tiết về công việc của người lao động vì giúp việc bao gồm rất nhiều công việc như chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh,... chi tiết các công việc này cũng phải được thỏa thuận rõ ràng.
Nếu người lao động phải thực hiện các công việc khác so với những gì quy định trong hợp đồng lao động, thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
...
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
...
Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động như sau:
Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
...
- Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động:
Người sử dụng lao động thường mong muốn biết rõ danh tính của người lao động, nhưng không được giữ giấy tờ tùy thân của người lao động, đặc biệt là người giúp việc gia đình.
Giấy tờ tùy thân bao gồm Thẻ căn cước nhân dân/ Chứng minh thư nhân dân, Hộ chiếu, là những giấy tờ cơ bản để thực hiện một số giao dịch như chuyển tiền tại ngân hàng, dự thi,…
Vì vậy chủ nhà không được phép giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc.
Chủ nhà giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc bị xử phạt thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình như sau:
Vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình;
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
...
c) Buộc người sử dụng lao động trả lại giấy tờ tùy thân cho lao động là người giúp việc gia đình đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
Chủ nhà giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Buộc người sử dụng lao động trả lại giấy tờ tùy thân cho lao động là người giúp việc gia đình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người dân có được soát người, khám xét người khác khi nghi bị lấy cắp đồ không? Có bị truy cứu TNHS?
- Máy điều hòa có phải là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không? Thuế suất thuế TTĐB của máy điều hòa là bao nhiêu?
- Hạn ngạch thuế quan là gì? Lưu ý điều gì khi áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan theo quy định?
- Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự có phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không?
- Nguyên nhân thanh lý rừng trồng? Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm gì sau khi hoàn thành việc thanh lý?