Nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới là ai? Tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định được quy định như thế nào?
Nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới là ai?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 139/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị định 30/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ ngày 08/06/2023) quy định như sau:
Nhân viên nghiệp vụ là người thực hiện công việc nhận, trả, lưu trữ hồ sơ, nhập dữ liệu, tra cứu, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ xe cơ giới vào kiểm định, in kết quả kiểm định và thực hiện các nghiệp vụ văn phòng khác theo sự phân công của đơn vị đăng kiểm.
Để được trở thành nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới thì cần đáp ứng những điều kiện quy định tại Điều 20 Nghị định 139/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 1 Nghị định 30/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ ngày 08/06/2023) như sau:
Nhân viên nghiệp vụ
1. Trình độ chuyên môn tối thiểu tốt nghiệp trung cấp.
2. Được tập huấn nghiệp vụ kiểm định theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Như vậy, nhân viên nghiệp vụ là người thực hiện công việc nhận, trả, lưu trữ hồ sơ, nhập dữ liệu, tra cứu, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ xe cơ giới vào kiểm định, in kết quả kiểm định và thực hiện các nghiệp vụ văn phòng khác theo sự phân công của đơn vị đăng kiểm.
Nhân viên nghiệp vụ phải có trình độ chuyên môn tối thiểu là tốt nghiệp trung cấp và được tập huấn nghiệp vụ kiểm định theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Trước đây, khoản 6 Điều 3 Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định:
6. Nhân viên nghiệp vụ kiểm định là người có đủ trình độ, kỹ năng được cấp Chứng chỉ nhân viên nghiệp vụ để thực hiện công việc: Nhận, trả, lưu trữ hồ sơ, nhập dữ liệu, tra cứu, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ xe cơ giới vào kiểm định và in chứng chỉ kiểm định.
Và Điều 20 Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định:
Nhân viên nghiệp vụ kiểm định
1. Trình độ chuyên môn tối thiểu tốt nghiệp trung cấp nghề.
2. Được tập huấn và cấp chứng chỉ tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Người tham gia tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới sẽ được tập huấn những nội dung nào?
Căn cứ theo Điều 7 Thông tư 18/2019/TT-BGTVT quy định như sau:
"Điều 7. Tập huấn nhân viên nghiệp vụ
Người tham gia tập huấn nhân viên nghiệp vụ được tập huấn các nội dung sau:
1. Tập huấn lý thuyết
a) Tổng quan: hệ thống mạng lưới, tổ chức kiểm định xe cơ giới; đạo đức nghề nghiệp; quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác kiểm định; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới;
b) Văn bản pháp lý: các quy định, hướng dẫn nghiệp vụ; yêu cầu về hồ sơ kiểm định; trình tự thực hiện kiểm định; phân loại phương tiện, phí, lệ phí kiểm định; quản lý hồ sơ, báo cáo, truyền số liệu kiểm định.
2. Hướng dẫn thực hành: hướng dẫn sử dụng các chương trình, phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới.
3. Kết thúc tập huấn, người tham gia tập huấn nhân viên nghiệp vụ được cấp Chứng chỉ tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này."
Như vậy người tham gia tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới sẽ được tập huấn gồm 2 phần: tập huấn lý thuyết và hướng dẫn thực hành như quy định trên.
Nhân viên nghiệp vụ (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có trách nhiệm tổ chức tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới?
Căn cứ theo điểm d khoản 4 Điều 27 Nghị định 139/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Nghị định 30/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ ngày 08/06/2023) quy định như sau:
Tổ chức thực hiện
...
5. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam
a) Tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trên phạm vi cả nước; xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm;
b) Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng thống nhất chương trình phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu kiểm định, truyền số liệu, quản lý dữ liệu xe cơ giới kiểm định và cơ sở dữ liệu đăng kiểm viên trên cả nước; kết nối, chia sẻ dữ liệu xe cơ giới kiểm định với các cơ quan chức năng để phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước; tổ chức việc cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định đối với các phương tiện vi phạm theo đề nghị của cơ quan chức năng;
c) Biên soạn tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ theo đề nghị của đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, tổ chức, cá nhân có nhu cầu; phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật bổ sung nghiệp vụ đăng kiểm; hướng dẫn Sở Giao thông vận tải về nghiệp vụ quản lý, kiểm định xe cơ giới;
d) Công bố trên Trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam danh sách các đơn vị đăng kiểm được cấp, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; danh sách đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ;
đ) Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 8, Điều 9 của Nghị định này khi Sở Giao thông vận tải chưa thực hiện được và có văn bản đề nghị;
e) Bàn giao hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới (bản sao có xác nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc bản điện tử) cho Sở Giao thông vận tải để lưu trữ, quản lý theo thẩm quyền.
Và căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 18/2019/TT-BGTVT quy định như sau:
"Điều 16. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam
1. Tổ chức và thực hiện tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ.
2. Xây dựng và thông báo kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kỳ cho các đơn vị đăng kiểm. .
3. Công bố trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam danh sách các đơn vị đăng kiểm được cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới."
Như vậy qua 2 quy định trên thì Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan có trách nhiệm tổ chức tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới.
Trước đây, điểm d khoản 4 Điều 27 Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định:
Tổ chức thực hiện
...
4. Cục Đăng kiểm Việt Nam
a) Tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Nghị định này về các điều kiện kinh doanh, quản lý và hoạt động kiểm định xe cơ giới;
b) Định kỳ hàng năm, kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, dây chuyền kiểm định và hoạt động kiểm định; kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra tại đơn vị đăng kiểm;
c) Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng thống nhất chương trình phần mềm quản lý kiểm định, cơ sở dữ liệu kiểm định trên cả nước, nội mạng truyền số liệu và quản lý dữ liệu xe cơ giới kiểm định;
d) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định theo đề nghị của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, cá nhân, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; tập huấn chuyên môn, nội dung, quy trình kiểm định theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
đ) Xử lý, đề xuất xử lý vi phạm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Nghị định này;
e) Công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam danh sách các đơn vị đăng kiểm được cấp, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn 01 thẩm tra lý lịch đảng viên? Hướng dẫn thẩm tra lý lịch đảng viên mới nhất quy định những gì?
- Viết đoạn văn kể về một hoạt động ngoài trời mà em được chứng kiến hoặc tham gia lớp 3 chọn lọc?
- 5+ mẫu thông báo nghỉ Tết Âm lịch 2025 online đẹp, chuyên nghiệp? Tạo thiệp thông báo nghỉ Tết Âm lịch 2025 thế nào?
- Toàn bộ Công văn 7619-CV/BTCTW hướng dẫn khung Quy chế làm việc mẫu của cấp ủy cơ sở? Tải Công văn 7619?
- Ngày đẹp bao sái bàn thờ năm 2025? Bao sái bàn thờ năm 2025 ngày nào? Nghỉ tết 2025 người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày nghỉ hưởng nguyên lương?