Nhãn phụ hàng hóa chất theo quy định sẽ là tên sản phẩm theo tên thương mại hay tên dịch sang tiếng Việt?
Trường hợp do kích thước của nhãn hóa chất không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc phải có thì giải quyết như thế nào?
Theo Điều 6 Thông tư số 32/2017/TT-BCT quy định về phân loại và ghi nhãn hóa chất như sau:
"1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất có nghĩa vụ phân loại và ghi nhãn hóa chất, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại hóa chất và thông tin thể hiện trên nhãn hóa chất.
2. Việc phân loại hóa chất được thực hiện theo quy tắc và hướng dẫn kỹ thuật của GHS từ Phiên bản 2 năm 2007 trở đi. Hướng dẫn chung và tiêu chí phân loại hóa chất theo GHS được quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này.
3. Việc ghi nhãn hóa chất được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này. Nhãn hóa chất bao gồm các nội dung sau:
a) Tên hóa chất;
b) Mã nhận dạng hóa chất (nếu có);
c) Hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ (nếu có);
d) Biện pháp phòng ngừa (nếu có);
đ) Định lượng;
e) Thành phần hoặc thành phần định lượng;
g) Ngày sản xuất;
h) Hạn sử dụng (nếu có);
i) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hóa chất;
k) Xuất xứ hóa chất;
l) Hướng dẫn sử dụng, bảo quản.
4. Vị trí nhãn hóa chất thực hiện theo Điều 4; nhãn phụ hóa chất thực hiện theo khoản 3 Điều 7 và khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Trường hợp do kích thước của nhãn hóa chất không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung được quy định tại các điểm a, i và k khoản 3 Điều này trên nhãn hóa chất, những nội dung còn lại phải ghi trong tài liệu kèm theo hóa chất và trên nhãn hóa chất phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
5. Hình đồ cảnh báo trong vận chuyển hóa chất nguy hiểm được quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này."
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì vị trí nhãn hàng hóa cụ thể như sau:
"1. Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
2. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc."
Theo đó, trường hợp do kích thước của nhãn hóa chất không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung được tên hóa chất, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hóa chất, xuất xứ hóa chất trên nhãn hóa chất, những nội dung còn lại phải ghi trong tài liệu kèm theo hóa chất và trên nhãn hóa chất phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Nhãn hóa chất
Hóa chất có bắt buộc phải ghi nhãn phụ hay không?
Thành phần nội dung trên nhãn phụ được quy định tại Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn phụ như sau:
"1. Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này.
3. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
4. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.
5. Những hàng hóa sau đây không phải ghi nhãn phụ:
a) Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường;
b) Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường."
Theo đó, đối với hàng hóa là hóa chất thì bắt buộc phải ghi nhãn phụ.
Nhãn phụ hàng hóa chất theo quy định sẽ là tên sản phẩm theo tên thương mại hay tên dịch sang tiếng Việt?
Theo Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định về ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa như sau:
"1. Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt, trừ hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước và trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.
3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
4. Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:
a) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;
b) Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất, dược chất, tá dược, thành phần của thuốc;
c) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;
d) Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa."
Tại Mục 1 Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 32/2017/TT-BCT quy định về tên hóa chất như sau:
"Tên hóa chất do nhà sản xuất đăng ký theo tên IUPAC, tên thương mại hoặc tên khác được ghi trên nhãn hóa chất.
Ví dụ cách viết tên hóa chất:
Tên gọi theo IUPAC: n-Butyl Acetate
Tên thương mại: Nomal Butyl Acetate
Tên khác (nếu có): NBAC"
Theo đó, nhãn phụ hàng hóa là hóa chất sẽ được ghi bằng ngôn ngữ khác chứ không bắt buộc phải dịch ra tiếng Việt đối với trường hợp tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, ngoài các trường hợp trên thì bắt buộc phải dịch sang tiếng Việt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Biên tập viên hạng 1 lĩnh vực xuất bản chỉ đạo việc phối hợp giữa biên tập viên các bộ phận nào để bản thảo đi in đạt yêu cầu chất lượng xuất bản phẩm?
- Quán net được mở đến mấy giờ? Quán net không được hoạt động từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau đúng không?
- Thành viên trong nhóm người sử dụng đất muốn chuyển nhượng đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì xử lý như thế nào?
- Kinh phí khuyến công quốc gia đảm bảo chi cho những hoạt động khuyến công do cơ quan nào thực hiện?
- Người nộp thuế có được yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình không?