Người thuê đất có quyền chuyển đổi đất thuê từ đất nông nghiệp trồng cây hàng năm sang đất chăn nuôi không?
Chuyển đổi đất nông nghiệp trồng cây hàng năm sang đất chăn nuôi thì có phải xin phép hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT có quy định về đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất, theo đó:
Đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm:
a) Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;
c) Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;
d) Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;
đ) Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang các loại đất khác thuộc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.
Như quy định này thì việc chuyển đổi đất nông nghiệp trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác (đất chăn nuôi) được pháp luật cho phép thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động.
Người thuê đất có quyền chuyển đổi đất thuê từ đất nông nghiệp trồng cây hàng năm sang đất chăn nuôi không? (Hình từ Internet)
Người thuê đất có quyền chuyển đổi đất thuê từ đất nông nghiệp trồng cây hàng năm sang đất chăn nuôi không?
Thuê đất (thuê tài sản), Điều 480 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích:
Nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích
1. Bên thuê phải sử dụng tài sản thuê theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.
2. Trường hợp bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích, không đúng công dụng thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như quy định này thì người thuê đất phải sử dụng đất thuê theo đúng công dụng và đúng mục đích như đã thỏa thuận. Nếu như ban đầu đất thuê này được dùng để trồng cây hàng năm thì người thuê đất không thể chuyển qua xây dựng chuồng trại để chăn nuôi được.
Ngoài ra theo khoản 3 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT cũng có quy định về trình tự, thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì:
a) Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại nơi tiếp nhận hồ sơ quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 60 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
b) Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận vào Đơn đăng ký; xác nhận mục đích sử dụng đất vào Giấy chứng nhận; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có); trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Người sử dụng đất sẽ thực hiện thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định này. Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất không bao gồm người thuê đất từ cá nhân, tổ chức khác.
Tóm lại, người thuê đất không thể tự mình chuyển đổi đất thuê từ đất nông nghiệp trồng cây hàng năm sang đất chăn nuôi được. Việc này phải được người cho thuê đất (là người sử dụng đất) thực hiện theo quy định pháp luật.
Ai là người sử dụng đất theo quy định pháp luật?
Như có đề cập ở trên thì người sử dụng đất được quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013, cụ thể:
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);
2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);
3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;
4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;
5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người dân có được soát người, khám xét người khác khi nghi bị lấy cắp đồ không? Có bị truy cứu TNHS?
- Máy điều hòa có phải là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không? Thuế suất thuế TTĐB của máy điều hòa là bao nhiêu?
- Hạn ngạch thuế quan là gì? Lưu ý điều gì khi áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan theo quy định?
- Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự có phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không?
- Nguyên nhân thanh lý rừng trồng? Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm gì sau khi hoàn thành việc thanh lý?