Người mất tích bao lâu thì được xem là đã chết và tài sản của người bị tuyên bố là đã chết được xử lý thế nào?
Người mất tích thuộc trường hợp nào thì được Tòa án tuyên là đã chết?
Căn cứ khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trường hợp người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích là đã chết bao gồm:
- Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
- Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.
Như vậy trường hợp chồng đã mất tích đã 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống thì người có quyền, lợi ích liên quan là người vợ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó đã chết.
Thời hạn 05 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Người mất tích bao lâu thì được xem là đã chết?
Thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích là đã chết như thế nào?
Căn cứ Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người có quyền, lợi ích liên quan nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự. Kèm theo đơn yêu cầu người nộp đơn phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết thuộc trường hợp theo quy định của Bộ luật dân sự.
Như vậy yêu cầu tuyên bố một người là đã chết thì người yêu cầu cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
Đơn yêu cầu (theo mẫu số 92-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP)
Các chứng cứ chứng minh một người được yêu cầu không có tin tức xác thực là còn sống.
Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ người yêu cầu nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp này căn cứ theo khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố dụng dân sự 2015 thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng.
Sau đó Tòa án sẽ chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết theo quy định tại Điều 392 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết.
2. Nội dung thông báo, việc công bố thông báo và thời hạn thông báo được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 388 của Bộ luật này.
3. Trong thời hạn thông báo, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trở về và thông báo cho Tòa án biết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.
4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Căn cứ Điều 393 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nêu rõ trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này, Tòa án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.
Tài sản của người mất tích bị tuyên bố là đã chết được xử lý ra sao?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản của quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Trường hợp chồng chị mất tích không để lại di chúc thì việc chia tài sản sau khi bị tuyên bố đã chết căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 sẽ thực hiện theo quy định về thừa kế theo pháp luật.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì vợ và con là người thừa kế hợp pháp theo hàng thừa kế thứ nhất cùng với những người là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi của người chết nếu có.
Căn cứ khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Như vậy theo các quy định trên chị và con có thể thừa kế căn nhà của chồng để lại sau khi người đó đã được Tòa án tuyên bố là đã chết nhưng phải phân chia cho những người thừa kế khác cùng hàng nếu có.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thẩm tra lý lịch đảng viên là thẩm tra, xác minh những gì? Thẩm tra lý lịch đảng viên gồm những ai?
- Mẫu kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức, cá nhân trong công đoàn theo Quyết định 684?
- Dấu hợp quy được sử dụng như thế nào? Tổ chức công bố hợp quy sử dụng dấu hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa khi nào?
- 09 Trường hợp miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo Thông tư 53?
- Đánh giá độ không chắc chắn kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực thực hiện với nguồn phát thải khí nhà kính nào?