Người lao động xảy ra tai nạn trên đường nội bộ của công ty thì có được xem là tai nạn giao thông không?
Đường nội bộ của công ty có thuộc mạng lưới đường bộ hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 39 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về phan loại đường bộ như sau:
"Điều 39. Phân loại đường bộ
1. Mạng lưới đường bộ được chia thành sáu hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng, quy định như sau:
a) Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực;
b) Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
c) Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện;
d) Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã;
đ) Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị;
e) Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân."
Theo đó, đường nội bộ công ty được hiểu là đường chuyên dùng chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân nên đường nội bộ của công ty cũng thuộc đối tượng được pháp luật quy định.
Người lao động xảy ra tai nạn trên đường nội bộ của công ty thì có được xem là tai nạn giao thông không?
Như đã nói ở trên đường nội bộ thuộc nhóm đường chuyên dùng trong mạng lưới đường bộ được pháp luật quy định. Ngoài ra tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 58/2009/TT-BCA(C11) quy định về tai nạn giao thông như sau:
"Điều 5. Tai nạn giao thông
1. Tai nạn giao thông là sự việc xảy ra do người tham gia giao thông đang hoạt động trên mạng lưới giao thông đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay gặp phải sự cố bất ngờ gây ra những thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khoẻ của con người hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tai nạn giao thông gồm:
a) Va chạm giao thông;
b) Vụ tai nạn giao thông gây hậu quả ít nghiêm trọng;
c) Vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng;
đ) Vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng."
Từ quy định trên có thể thấy người tham gia giao thông đang hoạt động trên đường chuyên dùng có xảy ra tại nạn thì cũng được xem là tai nạn giao thông. Vì vậy, các trường hợp tai nạn trên đường nội bộ công ty (đường chuyên dùng) sẽ áp dụng quy định như tai nạn giao thông.
Người lao động xảy ra tai nạn trên đường nội bộ của công ty
Người lao động bị tai nạn giao thông trên đường nội bộ của công ty có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không?
Căn cứ Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:
"Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
..."
Trường hợp người lao động xảy ra tai nạn giao thông trong đường nội bộ của công ty thì được xem là tai nạn tại nơi làm việc khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc; nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh. Theo quy định trên thì người lao động khi thỏa mãn được một trong các điều kiện trên thì sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động, nên trường hợp của bạn đã đủ điều kiện để được hưởng chế độ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?
- Chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là gì? Công dân có quyền và nghĩa vụ gì về quốc phòng?
- https//baocaovien vn thi trực tuyến Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 đăng nhập thế nào?
- Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 23, Nghị định 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 mới nhất?