Người lao động làm sai thao tác an toàn lao động của công ty dẫn đến bị thương thì có được xem là tai nạn lao động hay không?
- Người lao động làm sai thao tác an toàn lao động của công ty dẫn đến bị thương thì có được xem là tai nạn lao động hay không?
- Doanh nghiệp có trách nhiệm điều tra tai nạn lao động xảy ra tại doanh nghiệp mình hay không?
- Doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người bị tai nạn lao động hay không?
Người lao động làm sai thao tác an toàn lao động của công ty dẫn đến bị thương thì có được xem là tai nạn lao động hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định về tai nạn lao động như sau:
"8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động."
Như vậy bất cứ tai nạn nào xảy ra tại nơi làm việc gắn liền với việc thực hiện công việc thì đều được xem là tai nạn lao động không căn cứ vào nguyên nhân xuất phát có do lỗi của người lao động hay không.
Do đó, theo thông tin chị đưa ra, việc người lao động làm sai thao tác của công ty trong quá trình lao động, khi đang thực hiện công việc dẫn đến bị thương có thể được xác định là tai nạn lao động.
Người lao động làm sai thao tác an toàn lao động của công ty dẫn đến bị thương thì có được xem là tai nạn lao động hay không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp có trách nhiệm điều tra tai nạn lao động xảy ra tại doanh nghiệp mình hay không?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định về điều tra vụ tai nạn lao động cụ thể như sau:
"Điều 35. Điều tra vụ tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ trường hợp đã được điều tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này hoặc tai nạn lao động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gồm có người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động khi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế và một số thành viên khác.
Trường hợp tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn lao động phải lập biên bản ghi nhận sự việc và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra tai nạn.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên, kể cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở đã điều tra khi có khiếu nại, tố cáo hoặc khi xét thấy cần thiết.
Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh gồm có đại diện của Thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Sở Y tế, đại diện Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và một số thành viên khác.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương để tiến hành điều tra các vụ tai nạn lao động khi xét thấy tính chất nghiêm trọng của tai nạn lao động hoặc mức độ phức tạp của việc điều tra tai nạn lao động vượt quá khả năng xử lý của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm điều tra.
Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương gồm có đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Bộ Y tế, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số thành viên khác.
[...]"
Như vậy, việc điều tra tai nạn lao động thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi vụ tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Còn đối với những trường hợp vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên, kể cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì sẽ thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh
Đối với các vụ tai nạn lao động khi xét thấy tính chất nghiêm trọng của tai nạn lao động hoặc mức độ phức tạp của việc điều tra tai nạn lao động vượt quá khả năng xử lý của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm điều tra thì Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương để tiến hành.
Doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người bị tai nạn lao động hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán các khoản phí bao gồm:
"Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
[...]
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;"
Như vậy, pháp luật hiện hành quy định cụ thể liên quan đến tai nạn lao động của người lao động tại doanh nghiệp như điều kiện xác định là tai nạn lao động, điều tra tai nạn lao động cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tai nạn lao động nói trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bản vẽ thiết kế kỹ thuật trong hoạt động xây dựng cần đáp ứng yêu cầu nào? Cần phải thể hiện đầy đủ nội dung nào?
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?