Người có bài thuốc gia truyền muốn mở phòng chẩn trị y học cổ truyền cần đáp ứng những điều kiện gì?
Người có bài thuốc gia truyền là gì?
Căn cứ khoản 9 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về người có bài thuốc gia truyền như sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
…
9. Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền là người sở hữu bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm lâu đời do dòng tộc, gia đình truyền lại, điều trị có hiệu quả đối với một hoặc vài bệnh, chứng nhất định được Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội đông y cấp tỉnh.”
Người được cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” cần đáp ứng những điều kiện gì?
Theo Điều 4 Quyết định 39/2007/QĐ-BYT quy định về điều kiện được cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền như sau:
“Điều 4. Điều kiện của người được cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”.
a) Có đủ năng lực hành vi dân sự.
b) Có quyền thừa kế theo quy định của pháp luật.
c) Biết cụ thể các vị thuốc và thành phần bài thuốc, cách bào chế, cách sử dụng, liều dùng, đường dùng, chỉ định, chống chỉ định và chẩn đoán bệnh.
d) Được chính quyền địa phương (xã/phường/thị trấn) chứng nhận là người được dòng tộc, gia đình có bài thuốc gia truyền lâu năm, có hiệu quả điều trị một bệnh nhất định, được nhân dân trong vùng tín nhiệm và không có sự tranh chấp dân sự về bài thuốc đó đồng ý truyền cho.”
Theo đó, nếu bạn đáp ứng các điều kiện trên thì bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền. Đây sẽ là căn cứ để mở phòng chẩn trị y học cổ truyền.
Người có bài thuốc gia truyền muốn mở phòng chẩn trị y học cổ truyền cần đáp ứng những điều kiện gì?
Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền?
Trước hết, để có thể được mở phòng chẩn trị y học cổ truyền thì cần phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật. Theo Điều 18 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 cần có những giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Trường hợp là người có bài thuốc gia truyền thì không cần có văn bản xác nhận quá trình thực hành.
- Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động phòng khám chẩn trị y học cổ truyền?
Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, người có bài thuốc gia truyền sẽ đăng ký giấy phép hoạt động để mở phòng chẩn trị y học cổ truyền. Để được cấp giấy phép hoạt động thì phòng khám của bạn sẽ cần đáp ứng các điều kiện tại Điều 27 Nghị định 109/2016/NĐ-CP và khoản 14 Điều 10 Nghị định 155/2018/NĐ-CP về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân sự phòng chẩn trị y học cổ truyền, cụ thể như sau:
- Về cơ sở vật chất:
+ Phòng chẩn trị có diện tích ít nhất là 10 m2 và có nơi đón tiếp người bệnh.
+ Tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký, phòng chẩn trị y học cổ truyền phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:
* Trường hợp có châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt thì phải có buồng hoặc bố trí nơi kê giường châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt có diện tích ít nhất là 05 m2 một giường bệnh;
* Trường hợp có xông hơi thuốc thì phải có buồng xông hơi có diện tích ít nhất là 02 m2 và phải kín nhưng đủ ánh sáng.
- Về thiết bị y tế:
+ Nếu thực hiện việc khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc: phải có tủ thuốc, các vị thuốc được đựng trong ô kéo hoặc trong chai lọ thủy tinh hoặc nhựa trắng có nắp và ghi rõ tên vị thuốc ở bên ngoài;
+ Trường hợp thực hiện việc châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt phải có ít nhất các thiết bị sau:
* Có giường châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt;
* Có đủ dụng cụ để châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt;
* Có đủ dụng cụ và hướng dẫn xử lý vượng châm.
+ Trường hợp có xông hơi thuốc: Phải có hệ thống tạo hơi thuốc, van điều chỉnh, có bảng hướng dẫn xông hơi và hệ thống chuông báo trong trường hợp khẩn cấp.
- Về nhân sự: Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng chẩn trị y học cổ truyền phải là bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền hoặc y sĩ chuyên khoa y học cổ truyền hoặc là người có giấy chứng nhận là lương y do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp hoặc người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền và phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền.
+ Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ít nhất là 54 tháng đối với bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền;
+ Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ít nhất là 48 tháng đối với y sỹ chuyên khoa y học cổ truyền;
+ Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ít nhất là 36 tháng đối với lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền;
+ Là người hành nghề cơ hữu tại phòng chẩn trị y học cổ truyền.
Như vậy, bạn là người được thừa kế bài thuốc gia truyền từ cha có thể mở phòng chẩn trị y học cổ truyền nếu đáp ứng các điều kiện về giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, điều kiện cấp giấy phép hoạt động như điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quan trắc trong quá trình xây dựng không?
- Nhà nước quản lý ngoại thương thế nào? Bộ Công Thương có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về ngoại thương?
- Ai quyết định biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật về ngoại thương?
- Mẫu phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú dành cho đảng viên? Nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú?
- Ngày 27 tháng 11 là ngày gì? Ngày 27 tháng 11 dương là ngày bao nhiêu âm 2024? Ngày 27 tháng 11 có sự kiện gì ở Việt Nam?