Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng? Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc?
Những đối tượng nào được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng với người khuyết tật đặc biệt nặng?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 thì đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:
- Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;
- Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người khuyết tật đặc biệt nặng (trừ trường hợp được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội) đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng? Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc? (Hình từ Internet)
Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng với người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng
...
2. Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:
a) Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được quy định như sau:
- Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi;
- Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi hai con dưới 36 tháng tuổi trở lên;
Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất;
Trường hợp cả vợ và chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
b) Trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này nhưng mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
c) Hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hệ số một (1,0).
d) Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc với hệ số được quy định như sau:
- Hệ số 1,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Hệ số 2,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng.
...
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 76/2024/NĐ-CP thì mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01/7/2024 là 500.000 đồng/tháng.
Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng với người khuyết tật đặc biệt nặng như sau:
(1) Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi:
- Trường hợp đang mang thai hoặc nuôi 01 con dưới 36 tháng tuổi:
Mức hỗ trợ = 1.5 x 500.000 đồng = 750.000 đồng/tháng
- Trường hợp đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi 02 con dưới 36 tháng tuổi trở lên:
Mức hỗ trợ = 2.0 x 500.000 đồng = 1.000.000 đồng/tháng
(2) Hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng:
Mức hỗ trợ = 1.0 x 500.000 đồng = 500.000 đồng/tháng
(3) Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng:
- Trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng:
Mức hỗ trợ = 1.5 x 500.000 đồng = 750.000 đồng/tháng
- Trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng:
Mức hỗ trợ = 2.5 x 500.000 đồng = 1.250.000 đồng/tháng
Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng phải đáp ứng điều kiện gì?
Điều kiện, trách nhiệm đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng được quy định Điều 23 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(1) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
(2) Có sức khoẻ, kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc người khuyết tật;
(3) Có nơi ở ổn định và nơi ở cho người khuyết tật;
(4) Có điều kiện kinh tế;
(5) Đang sống cùng chồng hoặc vợ thì chồng hoặc vợ phải bảo đảm điều kiện tại mục (1) và (2) nêu trên.
* Trường hợp không được tiếp tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật:
- Có hành vi đối xử tệ bạc đối với người cao tuổi, người khuyết tật;
- Lợi dụng việc nhận việc chăm sóc, nuôi dưỡng để trục lợi;
- Có tình trạng kinh tế hoặc lý do khác dẫn đến không còn bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật;
- Vi phạm nghiêm trọng quyền của người được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thể lệ cuộc thi trực tuyến Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 thế nào?
- Có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi được giao thêm đất theo Luật Đất đai mới đúng không?
- Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư có cung cấp các dịch vụ bảo vệ không? Ai có trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư?
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản mới nhất theo quy định hiện nay?
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?