Mở tài khoản thực hiện giao dịch rút tiền để nhận lãi có vi phạm pháp luật không? Sử dụng tài khoản theo quy định của pháp luật ra sao?
Đối tượng nào được phép mở tài khoản là ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN
“Điều 11. Đối tượng mở tài khoản thanh toán
1. Cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
a) Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
c) Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;
d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
2. Tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.”.
Như vậy, xét về độ tuổi, bạn được phép tự do mở tài khoản tại ngân hàng mình mong muốn.
Sử dụng tài khoản theo quy định của pháp luật ra sao?
Cá nhân được sử dụng tài khoản vào những mục đích nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định về việc sử dụng tài khoản thanh toán vào những mục đích như sau:
"Điều 15. Sử dụng tài khoản thanh toán
1. Chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản như: cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ gia tăng khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn khách hàng các nguyên tắc và điều kiện sử dụng tài khoản thanh toán trong trường hợp giao dịch theo phương thức truyền thống hoặc giao dịch điện tử phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo có đủ thông tin cần thiết để kiểm tra, đối chiếu và nhận biết khách hàng, trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.
..."
Như vậy, khi bạn mở tài khoản thanh toán thì có thể sử dụng tài khoản trên vào các mục đích như rút tiền, chuyển tiền, thanh tóan các giao dịch và các dịch vụ khác mà ngân hàng cung cấp.
Mở tài khoản thực hiện giao dịch rút tiền để nhận lãi có vi phạm pháp luật không?
Hiện nay việc cá nhân, tổ chức mở tài khoản ngân hàng và thực hiện các giao dịch nhận tiền, rút tiền, chuyển tiền không vi phạm quy định pháp luật. Vì đây là giao dịch dân sự giữa bạn và ngân hàng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân với nhau quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 như sau.
"Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự."
Theo thông tin bạn cung cấp, mục đích của việc mở tài khoản là để nhận tiền người khác chuyển vào, sau đó rút ra để giao lại cho bạn của bạn và nhận 2% số tiền rút được.
Bạn có quyền tự nguyện cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Nội dung thỏa thuận về công việc bạn sẽ thực hiện như vậy là không rõ ràng, thiếu minh bạch và rất mơ hồ.
Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình. Bạn cần thận trọng, xác nhận lại cụ thể với bạn của bạn về tiền trong tài khoản mà bạn sẽ đứng tên là do ai gửi? Mục đích gửi là gì? Vì sao họ lại chuyển tiền vào tài khoản của bạn và nhờ bạn đi rút? Bởi lẽ, hiện nay có nhiều tội phạm sử dụng các thủ đoạn tương tự để thực hiện hành vi lừa đảo, hoặc vi phạm pháp luật khác.
Theo đó, nếu số tiền họ chuyển vào tài khoản của bạn là tiền phạm pháp, tiền chiếm đoạt của người khác, tiền không rõ nguồn gốc và bạn là người mở tài khoản, rút tiền, hưởng lợi 2% thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm và bạn phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?