Ly hôn thuận tình, từ ngày hòa giải thì trong khoảng thời gian bao lâu sẽ nhận được Quyết định của Tòa án?
Thế nào là ly hôn thuận tình?
Tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về thuận tình ly hôn như sau:
Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Và theo Điều 3 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình như sau:
Thuận tình ly hôn quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình
1. “Vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn” quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp vợ chồng cùng ký vào đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn hoặc một bên có đơn khởi kiện ly hôn, còn bên kia đồng ý ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
2. Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
3. Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản bao gồm cả trường hợp vợ chồng không yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản.
4. “Việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con” quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình là việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Như vậy ly hôn thuận tình được hiểu là: Trường hợp mà cả vợ, chồng cùng ký vào đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn hoặc một bên có đơn khởi kiện ly hôn, bên kia đồng ý, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản.
Lưu ý: Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Thuận tình ly hôn (Hình ảnh Internet)
Có bắt buộc phải tiến hành hòa giải cho vợ chồng khi vợ chồng muốn thuận tình ly hôn không?
Căn cứ các Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Khuyến khích hòa giải ở cơ sở
Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Hòa giải tại Tòa án
Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Và khoản 2 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:
Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
...
2. Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Như vậy việc hòa giải ly hôn là một quy định mang tính bắt buộc. Khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn thì Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở.
Trong trường hợp đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn thì Tòa án phải tiến hành hòa giải.
Từ ngày hòa giải thì trong khoảng thời gian bao lâu sẽ nhận được Quyết định của Tòa án?
Căn cứ khoản 4 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:
Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
...
4. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
b) Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
c) Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.
Như vậy trong trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành công thì Thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và các thỏa thuận của hai bên đương sự theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau
Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
1. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Như vậy theo quy định của pháp luật thì sau khi hết thời hạn là 7 ngày kể từ ngày hòa giải đoàn tụ mà không đương sự nào thay đổi ý kiến về việc đồng tình ly hôn thì Thẩm phán chủ trì phiên tòa hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chán án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.





Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quá trình phát hiện, kiểm tra thiết bị đo đếm điện không chính xác, ngừng hoạt động thực hiện như thế nào?
- Chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK là gì? Địa điểm và hình thức thi chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK được quy định ra sao?
- Kinh phí hoạt động của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương được lấy từ nguồn nào theo Quyết định 528?
- Hoạt động sàn giao dịch bất động sản có phải hỗ trợ các bên lập hợp đồng giao dịch bất động sản không?
- Ly hôn thuận tình, từ ngày hòa giải thì trong khoảng thời gian bao lâu sẽ nhận được Quyết định của Tòa án?