Mở rộng quy mô dự án đầu tư đã cấp giấy phép đầu tư trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thì có cần phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hay không?
Dự án đầu tư mở rộng là gì?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau:
Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường.
Theo đó, dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường.
Mở rộng quy mô dự án đầu tư (Hình từ Internet)
Mở rộng quy mô dự án đầu tư đã cấp giấy phép đầu tư trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thì có cần phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hay không?
Căn cứ theo điểm d khoản 2 Điều 77 Luật Đầu tư 2020 có quy định như sau:
Quy định chuyển tiếp
1. Nhà đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được thực hiện dự án đầu tư theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.
2. Nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật này đối với dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đô thị và xây dựng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
b) Dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng và nhà đầu tư đã triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
c) Nhà đầu tư đã trúng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, trúng đấu giá quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
d) Dự án được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
...
Như vậy, nhà đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành (trước ngày 01/01/2021) thì được thực hiện dự án đầu tư theo Giấy phép đầu tư đã được cấp.
Bên cạnh đó, theo điểm d khoản 2 Điều 77 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành (trước ngày 01/01/2021).
Đồng thời, khoản 1 Điều 117 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều chỉnh dự án đầu tư thực hiện trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành
1. Dự án đầu tư quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 77 của Luật Đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư khi điều chỉnh dự án đầu tư, trừ các trường hợp sau:
a) Thay đổi hoặc bổ sung nội dung, mục tiêu mà nội dung, mục tiêu được thay đổi hoặc bổ sung thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật Đầu tư;
b) Mở rộng quy mô dự án đầu tư dẫn đến dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật Đầu tư;
c) Điều chỉnh dự án đầu tư trong đó có bổ sung một trong các nội dung: Đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; đề nghị Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai.
...
Như vậy, về nguyên tắc, dự án đầu tư quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 77 Luật Đầu tư 2020 sẽ không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư khi điều chỉnh dự án đầu tư.
Tuy nhiên, phải trừ các trường hợp ngoại lệ, trong đó bao gồm “Mở rộng quy mô dự án đầu tư dẫn đến dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật Đầu tư”.
Do đó, việc mở rộng quy mô dự án đầu tư dẫn đến dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư thì vẫn phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư khi điều chỉnh dự án đầu tư.
Việc bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 43 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau:
Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
1. Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:
a) Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
b) Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
c) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
d) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.
2. Căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án đầu tư, mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 01% đến 03% vốn đầu tư của dự án đầu tư. Trường hợp dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn đầu tư thì số tiền ký quỹ được nộp và hoàn trả theo từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, việc bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được quy định như trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?
- Việc xử lý bưu gửi không có người nhận được thực hiện như thế nào? Tổ chức xử lý không đúng quy định đối với bưu gửi bị xử phạt bao nhiêu?
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?
- 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết? Chế độ chính sách của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện thế nào?