Mẫu Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật theo quy định mới nhất là mẫu nào? Có thể tải ở đâu?
- Mẫu Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật theo quy định mới nhất là mẫu nào? Có thể tải ở đâu?
- Có thể nộp hồ sơ cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật thông qua phương thức nào?
- Tư vấn viên pháp luật có thể đồng thời làm việc tại 02 Trung tâm tư vấn pháp luật không?
- Trung tâm tư vấn pháp luật có phải chịu bồi thường thiệt hại nếu tư vấn viên pháp luật gây ra lỗi khi thực hiện tư vấn không?
Mẫu Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật theo quy định mới nhất là mẫu nào? Có thể tải ở đâu?
Mẫu Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật theo quy định mới nhất là Mẫu TP-TVPL-05-sđ ban hành kèm theo Thông tư 03/2024/TT-BTP (thay thế Mẫu TP-TVPL-05 ban hành kèm theo Thông tư 01/2010/TT-BTP).
Mẫu Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật mới nhất có dạng như sau:
>> TẢI VỀ: Mẫu Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật mới nhất.
Có thể nộp hồ sơ cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật thông qua phương thức nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 77/2008/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 2 Điều 4 Nghị định 05/2012/NĐ-CP như sau:
Cấp, thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật
1. Người đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp.
Hồ sơ cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gồm có:
a) Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật;
b) Bản sao Bằng cử nhân luật;
c) Giấy xác nhận về thời gian công tác pháp luật của người được đề nghị.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp, nơi Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động có trách nhiệm cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người đủ điều kiện, trong trường hợp từ chối, phải thông báo lý do bằng văn bản.
...
Theo đó, người đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật có thể nộp hồ sơ thông qua hai phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp.
- Nộp qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp.
Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp, nơi Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động sẽ cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người đủ điều kiện, trong trường hợp từ chối thì thông báo lý do bằng văn bản.
Lưu ý: Theo Điều 19 Nghị định 77/2008/NĐ-CP thì người được cấp thẻ Tư vấn viên pháp luật phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
- Có Bằng cử nhân luật;
- Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên.
- Không phải là công chức đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.
Mẫu Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật theo quy định mới nhất là mẫu nào? Có thể tải ở đâu? (Hình từ Internet)
Tư vấn viên pháp luật có thể đồng thời làm việc tại 02 Trung tâm tư vấn pháp luật không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Thông tư 01/2010/TT-BTP về tư vấn viên pháp luật như sau:
Tư vấn viên pháp luật
1. Tư vấn viên pháp luật chỉ được làm việc cho một Trung tâm tư vấn pháp luật hoặc một Chi nhánh. Tư vấn viên pháp luật có thể đồng thời kiêm nhiệm vị trí công tác khác của tổ chức chủ quản nhưng phải bảo đảm công việc đó không ảnh hưởng đến hoạt động tư vấn pháp luật.
2. Thẻ tư vấn viên pháp luật được cấp theo đề nghị của Trung tâm tư vấn pháp luật hoặc của Chi nhánh trong trường hợp Trung tâm, Chi nhánh thực hiện đăng ký hoạt động hoặc bổ sung tư vấn viên pháp luật.
Như vậy, tư vấn viên pháp luật không được phép đồng thời làm việc tại 02 Trung tâm tư vấn pháp luật mà chỉ được làm việc cho một Trung tâm tư vấn pháp luật hoặc một Chi nhánh.
Tuy nhiên, tư vấn viên pháp luật có thể đồng thời kiêm nhiệm vị trí công tác khác của tổ chức chủ quản nhưng phải bảo đảm công việc đó không ảnh hưởng đến hoạt động tư vấn pháp luật.
Trung tâm tư vấn pháp luật có phải chịu bồi thường thiệt hại nếu tư vấn viên pháp luật gây ra lỗi khi thực hiện tư vấn không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 77/2008/NĐ-CP về quyền và nghĩa vụ của Trung tâm tư vấn pháp luật như sau:
Quyền, nghĩa vụ của Trung tâm tư vấn pháp luật
1. Trung tâm tư vấn pháp luật có các quyền sau đây:
a) Thực hiện vụ việc theo phạm vi quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
b) Đề nghị cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật;
c) Kiến nghị với cơ quan nhà nước về những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật.
2. Trung tâm tư vấn pháp luật có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của pháp luật về luật sư, trợ giúp pháp lý;
b) Chịu trách nhiệm về việc sử dụng tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm;
c) Báo cáo Sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tư pháp), nơi đặt trụ sở của Trung tâm, báo cáo tổ chức chủ quản về tổ chức và hoạt động của Trung tâm theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu trong trường hợp đột xuất;
d) Bồi thường thiệt hại do lỗi của tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm gây ra trong khi thực hiện tư vấn pháp luật.
Như vậy, trường hợp tư vấn viên pháp luật gây ra lỗi trong quá trình thực hiện tư vấn pháp luật thì Trung tâm tư vấn pháp luật phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức? Đảng viên dự bị có được biểu quyết không?
- Giá hợp đồng trọn gói là gì? Giá hợp đồng trọn gói được áp dụng cho các gói thầu xây dựng nào?
- Mẫu sổ tiếp nhận lưu trú mới nhất là mẫu nào? Sổ tiếp nhận lưu trú được sử dụng trong trường hợp nào?
- Tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp áp dụng đối với hàng hóa từ đâu đến đâu theo quy định pháp luật?
- Người dân có được soát người, khám xét người khác khi nghi bị lấy cắp đồ không? Có bị truy cứu TNHS?