Liên hiệp hợp tác xã cần phải làm gì khi thay đổi số lượng hợp tác xã thành viên? Có cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước hay không?
Liên hiệp hợp tác xã cần phải làm gì khi thay đổi số lượng hợp tác xã thành viên?
Căn cứ theo Điều 28 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về việc thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
Thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi một trong các nội dung về tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật; tên, địa chỉ, người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký. Việc thay đổi chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký.
2. Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi nội dung điều lệ, số lượng thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, địa điểm kinh doanh thì phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thay đổi.
Theo đó, nếu liên hiệp hợp tác xã thay đổi số lượng hợp tác xã thành viên thì không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trường hợp này liên hiệp hợp tác xã cần phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thay đổi.
Liên hiệp hợp tác xã thay đổi số lượng hợp tác xã thành viên (Hình từ Internet)
Liên hiệp hợp tác xã không thông báo cho cơ quan nhà nước khi thay đổi số lượng hợp tác xã thành viên thì có bị xử phạt hay không?
Tại Điều 66 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm về thông tin báo cáo của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
Vi phạm về thông tin báo cáo của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động theo quy định;
b) Không gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi nội dung điều lệ, số lượng thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, địa điểm kinh doanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu như liên hiệp hợp tác xã thay đổi số lượng hợp tác xã thành viên nhưng lại không gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày thay đổi thì liên hiệp hợp tác xã có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Đồng thời, khi vi phạm thì liên hiệp hợp tác xã buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định.
Nghĩa vụ của liên hiệp hợp tác xã theo quy định mới nhất hiện nay?
Căn cứ theo Điều 9 Luật Hợp tác xã 2012 thì liên hiệp hợp tác xã sẽ có những nghĩa vụ cụ thể như sau:
Nghĩa vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Thực hiện các quy định của điều lệ.
2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định của Luật này.
3. Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký.
4. Thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên, liên hiệp hợp tác xã với hợp tác xã thành viên.
5. Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê.
6. Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
7. Quản lý, sử dụng đất và tài nguyên khác được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.
8. Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
9. Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho thành viên, hợp tác xã thành viên.
10. Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Chính phủ.
11. Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tên quốc tế của thành phần của hàng hóa trên nhãn hàng hóa được phép ghi bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt khi nào?
- Kinh doanh các loại pháo bao gồm những gì? Cơ sở kinh doanh các loại pháo cần phải có phương án bảo đảm an ninh trật tự không?
- Bấm biển số xe máy trên VNeID được không? Lệ phí bấm biển số xe máy trên VNeID là bao nhiêu?
- Chữ ký số ký ngoài giờ hành chính có giá trị pháp lý không? Điều kiện của chữ ký số là gì?
- Đề minh họa thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội 2025 kèm đáp án chính thức thế nào?