Kinh doanh dịch vụ viễn thông có cần giấy phép không? Hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được quy định như thế nào?
Dịch vụ viễn thông là gì?
Theo khoản 7 Điều 3 Luật Viễn thông 2009 định nghĩa về dịch vụ viễn thông như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
7. Dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng."
Kinh doanh dịch vụ viễn thông
Kinh doanh dịch vụ viễn thông phải đáp ứng điều kiện nào?
Theo quy định tại khoản 23 Điều 3 Luật Viễn thông 2009 thì để thực hiện kinh doanh dịch vụ viễn thông phải thành lập doanh nghiệp và được cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Theo đó, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 36 Luật Viễn thông 2009 như sau:
- Doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông;
+ Có đủ khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án;
+ Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông;
+ Có biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
- Doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
+ Vốn pháp định và mức cam kết đầu tư theo quy định của Chính phủ
Và tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 81/2016/NĐ-CP bổ sung thêm điều kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông bao gồm:
- Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông quy định tại Điều 36 Luật viễn thông.
- Điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 36 Luật viễn thông bao gồm:
+ Doanh nghiệp không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành;
+ Doanh nghiệp có tổ chức bộ máy và nhân lực đảm bảo thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch kỹ thuật và phương án bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
Theo đó, các điều kiện về tỷ lệ sở hữu, vốn, mức cam kết và các điều kiện cụ thể khác mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông cần đáp ứng khi tiến hành hoạt động này như sau:
* Sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông được quy định tại Điều 3 Nghị định 25/2011/NĐ-CP như sau:
- Một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.
- Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông khi có thay đổi trong danh sách tổ chức, cá nhân sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp.
* Điều kiện về vốn pháp định được quy định tại Điều 13 Thông tư 12/2013/TT-BTTTT:
- Doanh nghiệp đề nghị cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được coi là đáp ứng điều kiện về vốn pháp định nếu có đủ tài liệu chứng minh vốn góp, vốn đầu tư nêu tại khoản 2 Điều này hoặc trị giá tài sản ghi trong bảng tổng kết tài sản nêu tại khoản 4 Điều này không thấp hơn vốn pháp định áp dụng đối với loại giấy phép tương ứng quy định tại các Điều 19, 20, 21 Nghị định 25/2011/NĐ-CP.
- Đối với doanh nghiệp thành lập mới có ngành nghề kinh doanh là kinh doanh dịch vụ viễn thông, tài liệu để chứng minh vốn góp, vốn đầu tư của doanh nghiệp là:
+ Văn bản về việc góp vốn hoặc cam kết góp vốn trong một thời hạn cụ thể của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;
+ Văn bản về việc góp vốn của các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông đã đăng ký mua cổ phần và được ghi trong Điều lệ công ty đối với công ty cổ phần;
+ Văn bản về việc góp vốn hoặc cam kết góp vốn trong một thời hạn cụ thể của các bên đầu tư đối với công ty liên doanh;
+ Văn bản về tổng giá trị số vốn do chủ sở hữu góp vốn hoặc cam kết góp vốn trong một thời hạn cụ thể đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
+ Văn bản về việc góp vốn hoặc cam kết góp vốn trong một thời hạn cụ thể của các thành viên sáng lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên;
+ Văn bản về vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân.
- Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:
+ Nếu số vốn được góp, được đầu tư bằng tiền thì phải có văn bản xác nhận của ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các bên tham gia thành lập doanh nghiệp. Tiền ký quỹ chỉ được giải ngân khi doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông;
+ Nếu số vốn được góp, được đầu tư bằng tài sản thì phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá đang hoạt động tại Việt Nam về kết quả định giá tài sản được đưa vào góp vốn.
- Đối với doanh nghiệp đã được thành lập và bổ sung ngành, nghề kinh doanh là kinh doanh dịch vụ viễn thông, đối với doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và đề nghị cấp giấy phép thuộc trường hợp quy định tại Điều 19 Thông tư này, đối với doanh nghiệp đề nghị cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông: văn bản xác nhận vốn pháp định là bảng tổng kết tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông không quá 03 (ba) tháng.
- Đối với doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện và không sử dụng số thuê bao viễn thông: vốn pháp định được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 25/2011/NĐ-CP.
- Đối với doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này: vốn pháp định được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 25/2011/NĐ-CP.
- Đối với doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích hoặc thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao: vốn pháp định được xác định dựa trên đề án đã được phê duyệt hoặc hồ sơ tương đương về việc thiết lập mạng viễn thông công cộng để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích hoặc thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao.
* Điều kiện về cam kết đầu tư theo Điều 14 Thông 12/2011/TT-BTTTT:
- Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng được coi là đáp ứng điều kiện về cam kết đầu tư nếu mức cam kết đầu tư của doanh nghiệp ghi trong văn bản cam kết thực hiện giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng không thấp hơn mức cam kết đầu tư quy định tại các Điều 19, 20, 21 Nghị định 25/2011/NĐ-CP, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 Điều này.
- Đối với doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng thuộc các trường hợp quy định tại Điều 19 Thông tư này, đối với doanh nghiệp đề nghị cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông: doanh nghiệp được coi là đáp ứng điều kiện về cam kết đầu tư nếu:
+ Phần doanh nghiệp đã đầu tư thực tế vào mạng viễn thông công cộng được thiết lập trước đó không thấp hơn mức cam kết đầu tư tương ứng quy định tại các Điều 19, 20, 21 Nghị định 25/2011/NĐ-CP; hoặc
+ Mức cam kết của doanh nghiệp ghi trong văn bản cam kết thực hiện giấy phép không thấp hơn phần chênh lệch giữa mức cam kết đầu tư quy định tại các Điều 19, 20, 21 Nghị định 25/2011/NĐ-CP với phần doanh nghiệp đã đầu tư thực tế vào mạng viễn thông được thiết lập trước đó.
- Đối với doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng có thời hạn dưới 15 (mười lăm) năm: doanh nghiệp được coi là đáp ứng điều kiện về cam kết đầu tư trong toàn bộ thời hạn hiệu lực của giấy phép nếu mức cam kết của doanh nghiệp ghi trong văn bản cam kết thực hiện giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng không thấp hơn mức tương ứng với thời hạn được cấp phép. Doanh nghiệp được quyền điều chỉnh mức cam kết trong toàn bộ thời hạn hiệu lực của giấy phép và nộp văn bản cam kết thực hiện giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng đã được điều chỉnh cho Cục Viễn thông khi nhận được giấy phép.
- Đầu tư thực tế của doanh nghiệp vào mạng viễn thông công cộng quy định tại khoản 2 Điều này và Điều 16 Thông tư này được xác định trên cơ sở tài liệu chứng minh số vốn doanh nghiệp đầu tư để thực hiện giấy phép tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
- Đối với doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện và không sử dụng số thuê bao viễn thông: mức cam kết đầu tư được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 25/2011/NĐ-CP.
- Đối với doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này: mức cam kết đầu tư được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 25/2011/NĐ-CP.
* Điều kiện về tính khả thi khi phân bổ kho số viễn thông, tần số vô tuyến điện được quy định tại Điều 15 Thông tư 12/2011/TT-BTTTT:
- Đối với doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông có sử dụng kho số viễn thông, có sử dụng tần số vô tuyến điện không thuộc danh mục kho số viễn thông, danh mục tần số vô tuyến điện phải được phân bổ thông qua đấu giá, thi tuyển: việc phân bổ kho số viễn thông, tần số vô tuyến điện được coi là khả thi nếu còn kho số viễn thông, tần số vô tuyến điện được quy hoạch để phân bổ theo đề nghị của doanh nghiệp.
- Đối với doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông có sử dụng kho số viễn thông, có sử dụng tần số vô tuyến điện thuộc danh mục kho số viễn thông, danh mục tần số vô tuyến điện phải được phân bổ thông qua đấu giá, thi tuyển: việc phân bổ kho số viễn thông, tần số vô tuyến điện được coi là khả thi nếu doanh nghiệp trúng đấu giá, thi tuyển kho số viễn thông, tần số vô tuyến điện được quy hoạch để phân bổ theo đề nghị của doanh nghiệp.
* Điều kiện về bảo đảm thực hiện giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Điều 16 Thông tư 12/2011/TT-BTTTT:
- Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện và số thuê bao viễn thông, đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất đã đáp ứng điều kiện cấp phép quy định tại Điều 12 Thông tư này chỉ được nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông nếu có văn bản xác nhận của ngân hàng do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định về việc doanh nghiệp đã nộp số tiền sau để bảo đảm thực hiện giấy phép:
+ Bằng 5% mức cam kết đầu tư trong 03 (ba) năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 25/2011/NĐ-CP đối với đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện và số thuê bao viễn thông;
+ Bằng 5% mức cam kết đầu tư trong 03 (ba) năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 25/2011/NĐ-CP đối với đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện.
- Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện và số thuê bao viễn thông, đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất thuộc trường hợp quy định tại các Điều 19, 25 Thông tư này đã đáp ứng điều kiện cấp phép chỉ được nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông nếu:
+ Phần doanh nghiệp đã đầu tư thực tế vào mạng viễn thông được thiết lập trước đó không thấp hơn mức cam kết đầu tư trong 03 (ba) năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép quy định tại khoản 2 Điều 19 hoặc khoản 3 Điều 20 Nghị định 25/2011/NĐ-CP; hoặc
+ Có văn bản xác nhận của ngân hàng do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định về việc doanh nghiệp đã nộp số tiền tương ứng 5% chênh lệch giữa mức cam kết đầu tư trong 03 (ba) năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép quy định tại khoản 2 Điều 19 hoặc khoản 3 Điều 20 Nghị định 25/2011/NĐ-CP và phần doanh nghiệp đã đầu tư thực tế vào mạng viễn thông được thiết lập trước đó.
Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 12/2013/TT-BTTTT quy định về giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Để kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng phải có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng quy định tại các Điều 19, 20, 21 Nghị định 25/2011/NĐ-CP và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông theo loại hình dịch vụ viễn thông được quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BTTTT.
- Để kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông theo loại hình dịch vụ viễn thông được quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BTTTT.
* Hồ sơ cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
(1) Hồ sơ đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng được quy định tại điểm a khoản 5 Điều 1 Nghị định 81/2016/NĐ-CP:
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông phải gửi 05 bộ hồ sơ tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp phép. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014);
+ Bản sao Điều lệ đang có hiệu lực của doanh nghiệp và có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;
+ Văn bản xác nhận vốn pháp định theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông;
+ Kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau: Dự báo và phân tích thị trường; phương án kinh doanh; doanh thu; tổng kinh phí đầu tư và phân bổ kinh phí cho từng năm; hình thức đầu tư, phương án huy động vốn; nhân lực (theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
+ Kế hoạch kỹ thuật tương ứng với kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau: Cấu hình mạng lưới, thiết bị theo từng năm, cả phần chính và phần dự phòng; phân tích năng lực mạng lưới, thiết bị; dung lượng các đường truyền dẫn; tài nguyên viễn thông; công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng; biện pháp bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn, an ninh thông tin (theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
+ Văn bản cam kết thực hiện giấy phép theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
(2) Hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông được quy định tại điểm a khoản 5 Điều 1 Nghị định 81/2016/NĐ-CP:
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông phải gửi 05 bộ hồ sơ tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp phép. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014);
+ Bản sao đang có hiệu lực Điều lệ của doanh nghiệp và có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;
+ Kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau: Loại hình dịch vụ; phạm vi cung cấp dịch vụ; giá cước dịch vụ; dự báo và phân tích thị trường, doanh thu; tổng kinh phí đầu tư và phân bổ kinh phí cho từng năm; hình thức đầu tư phương án huy động vốn; nhân lực; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp ngừng kinh doanh dịch vụ (theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
+ Kế hoạch kỹ thuật tương ứng với kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau: Cấu hình mạng viễn thông sẽ sử dụng theo từng năm, cả phần chính và phần dự phòng; phân tích năng lực mạng và thiết bị viễn thông; dung lượng các đường truyền dẫn; tài nguyên viễn thông; công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng; kết nối viễn thông; phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ; biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin (theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
* Thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ được quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 81/2016/NĐ-CP:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông xem xét và thông báo cho doanh nghiệp biết về tính hợp lệ của hồ sơ;
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này;
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cho doanh nghiệp theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này. Đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 19 và Khoản 3 Điều 20 Nghị định này, doanh nghiệp được cấp giấy phép viễn thông trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm thực hiện giấy phép theo thông báo của Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông;
- Trường hợp từ chối cấp phép, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị cấp phép biết.
* Công bố nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo điểm c khoản 5 Điều 1 Nghi định 81/2016/NĐ-CP:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp phải đăng trên một trong các tờ báo viết trong ba số liên tiếp hoặc báo điện tử và trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông trong 20 ngày nội dung quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c và Điểm d Khoản 5 Điều 23 Nghị định này.
Như vậy, dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng và để thực hiện kinh doanh dịch vụ viễn thông phải thành lập doanh nghiệp, được cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông cần đáp ứng các điều kiện và thực hiện hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật.
Tải về mẫu giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn mới nhất 2023: Tại Đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đề án giải thể đơn vị hành chính cấp huyện có lấy ý kiến của Nhân dân hay không? 06 Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính?
- Thư ký Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập do ai bổ nhiệm? Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thư ký?
- Quy định về cam kết bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 như thế nào? Bên nhận bảo lãnh có quyền và nghĩa vụ ra sao?
- Tải về mẫu biên bản họp Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng hợp nhất để thành lập công ty mới?
- Mẫu phiếu đề nghị xử lý kỷ luật áp dụng đối với đoàn viên công đoàn trong tổ chức công đoàn theo Quyết định 684?