Kiểm tra thuế là gì? 05 nguyên tắc kiểm tra thuế gồm những nguyên tắc nào theo quy định pháp luật?
Kiểm tra thuế là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Quy chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, kiểm tra thuế ban hành kèm theo Quyết định 1614/QĐ-TCT năm 2020 giải thích một số từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người giám sát: là người ra quyết định thanh tra, kiểm tra thuế; Lãnh đạo bộ phận quản lý trực tiếp Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra thuế; Tổ giám sát hoặc công chức được người ra quyết định thanh tra, kiểm tra thuế giao giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, kiểm tra thuế.
2. Người được giám sát: là Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra thuế; Phó Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra thuế; thành viên Đoàn thanh tra, kiểm tra thuế.
3. Thanh tra, kiểm tra thuế là hoạt động thanh tra, kiểm tra của Cơ quan thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc hoạt động kiểm tra của Cơ quan thuế tại trụ sở Cơ quan thuế.
4. Kết thúc thời gian thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế: là thời điểm Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra thuế hoàn thành việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, kiểm tra.
5. Kết thúc thời gian kiểm tra tại trụ sở Cơ quan thuế được thực hiện theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền về phân cấp quản lý hành chính và quy chế làm việc tại Cơ quan thuế các cấp.
Kiểm tra thuế là hoạt động kiểm tra của Cơ quan thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc hoạt động kiểm tra của Cơ quan thuế tại trụ sở Cơ quan thuế.
Kiểm tra thuế là gì? 05 nguyên tắc kiểm tra thuế gồm những nguyên tắc nào theo quy định pháp luật? (Hình từ Internet)
05 nguyên tắc kiểm tra thuế bao gồm những nguyên tắc nào?
Căn cứ quy định tại Điều 107 Luật Quản lý thuế 2019, 05 nguyên tắc kiểm tra thuế bao gồm:
(1) Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra thuế, thanh tra thuế.
(2) Tuân thủ quy định của Luật Quản lý thuế 2019, quy định khác của pháp luật có liên quan và mẫu biểu thanh tra, kiểm tra, trình tự, thủ tục, hồ sơ kiểm tra thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
(3) Không cản trở hoạt động bình thường của người nộp thuế.
(4) Khi kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế phải ban hành quyết định kiểm tra, thanh tra.
(5) Việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, thông tin, hồ sơ mà người nộp thuế đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan của người nộp thuế để xử lý về thuế theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Việc xử lý kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế được quy định tại Điều 108 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:
(1) Căn cứ vào kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ra quyết định xử lý về thuế, thu hồi số tiền thuế đã hoàn không đúng quy định của pháp luật về thuế, xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
Trường hợp xác định rõ hành vi vi phạm hành chính tại biên bản thanh tra thuế, kiểm tra thuế thì biên bản thanh tra thuế, kiểm tra thuế được xác định là biên bản vi phạm hành chính.
(2) Trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế mà phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật; cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 111 Luật Quản lý thuế 2019, quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế được quy định như sau:
(1) Người nộp thuế có các quyền sau đây:
- Từ chối việc kiểm tra khi không có quyết định kiểm tra thuế;
- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra thuế; thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Nhận biên bản kiểm tra thuế và yêu cầu giải thích nội dung biên bản kiểm tra thuế;
- Bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế;
- Khiếu nại, khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra thuế.
(2) Người nộp thuế có các nghĩa vụ sau đây:
- Chấp hành quyết định kiểm tra thuế của cơ quan quản lý thuế;
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu của đoàn kiểm tra thuế; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;
- Ký biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra;
- Chấp hành kiến nghị tại biên bản kiểm tra thuế, kết luận, quyết định xử lý kết quả kiểm tra thuế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bên bán điện dư là gì? Bên bán điện dư ký kết hợp đồng mua bán điện đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất với ai?
- Mùng 1 tháng 12 âm là ngày bao nhiêu dương 2024, thứ mấy? Lịch âm Tháng 12 2024 có bao nhiêu ngày?
- Ngày 26 tháng 1 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Ngày 26 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy? Tết Âm lịch 2025 ngày mấy?
- Thời hạn kê khai thuế đầu năm 2025 cần biết và nắm rõ? Lưu ý về thời gian kê khai thuế đầu năm 2025?
- Công thức điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng theo phương pháp bù trừ trực tiếp mới nhất hiện nay?