Khởi kiện vụ án dân sự là gì? Quyền khởi kiện vụ án dân sự được quy định như thế nào theo pháp luật dân sự?
Khởi kiện vụ án dân sự là gì?
Hiện nay, pháp luật không có khái niệm về "khởi kiện vụ án dân sự là gì", tuy nhiên, căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì khởi kiện vụ án dân sự có thể hiểu là hành động mà cá nhân hoặc tổ chức thực hiện để yêu cầu Tòa án giải quyết một tranh chấp dân sự. Quá trình này bắt đầu bằng việc nộp đơn khởi kiện, trong đó nêu rõ yêu cầu, căn cứ pháp lý và các chứng cứ liên quan.
Mục đích của việc khởi kiện là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khởi kiện, đồng thời yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết nhằm giải quyết tranh chấp. Vụ án dân sự có thể liên quan đến nhiều lĩnh vực, như hợp đồng, tài sản, thương mại, hoặc các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cá nhân hoặc tổ chức.
Sau khi đơn khởi kiện được nộp, tòa án có trách nhiệm xem xét, thụ lý và tiến hành xét xử theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Khởi kiện vụ án dân sự là gì? Quyền khởi kiện vụ án dân sự được quy định như thế nào theo pháp luật dân sự? (Hình từ Internet)
Quyền khởi kiện vụ án dân sự được quy định như thế nào?
Quyền khởi kiện vụ án dân sự được quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tải mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự? Hướng dẫn viết đơn khởi kiện vụ án dân sự?
Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự mới nhất hiện nay là Mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự có dạng như sau:
TẢI VỀ Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự
Kèm theo Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự nêu trên có hướng dẫn cách sử dụng mẫu như sau:
(1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng….. năm……).
(2) Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B), nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên) và địa chỉ của Toà án đó.
(3) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên; đối với trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
(4) Ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H); nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH Hin Sen có trụ sở: Số 20 phố LTK, quận HK, thành phố H).
(5), (7), (9) và (12) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).
(6), (8), (10) và (13) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).
(11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết.
(14) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: bản sao hợp đồng mua bán nhà, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …).
(15) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án (ví dụ: Người khởi kiện thông báo cho Toà án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài chữa bệnh…).
(16) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ; trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện. Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.
Trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp. Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp nào? Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP ra sao?
- Trọng tài quy chế là gì? Nguyên đơn làm đơn khởi kiện có được áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế không?
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?
- Có được tự chế bình xịt hơi cay mini tự vệ vào ban đêm không? Trang bị bình xịt hơi cay bên người có bị phạt không?
- Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng là gì? Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trong trường hợp nào?