Khởi kiện tranh chấp đất đai phải nộp bao nhiêu tiền tạm ứng án phí? Căn cứ vào đâu để xác định giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí?
Khởi kiện tranh chấp đất đai thì phải nộp tạm ứng án phí bao nhiêu tiền?
Theo Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì mức tạm ứng án phí đối với vụ án tranh chấp đất đai được xác định như sau:
- Đối với vụ án tranh chấp đất đai không có giá ngạch: Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng với mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch.
- Đối với vụ án tranh chấp đất đai có giá ngạch: Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.
Như vậy, căn cứ theo mục A Danh mục án phí, lệ phí tòa án Ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì số tiền tạm ứng án phí phải nộp khi khởi kiện tranh chấp đất đai được xác định như sau:
(1) Vụ án tranh chấp đất đai không có giá ngạch
Mức tạm ứng án phí phải nộp là: 300.000 đồng.
(2) Vụ án tranh chấp đất đai có giá ngạch
Mức tạm ứng án phí phải nộp được xác định dựa trên tài sản tranh chấp, cụ thể:
- Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng
- Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp x 0,5
- Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: (20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng) x 0,5
- Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: (36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng) x 0,5
- Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: (72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng) x 0,5
- Từ trên 4.000.000.000 đồng: (112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.) x 0,5.
Tạm ứng án phí trong vụ án dân sự (Hình từ Internet)
Căn cứ vào đâu để xác định giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí?
Căn cứ theo Điều 8 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí như sau:
Giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí
1. Giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí được ưu tiên áp dụng theo thứ tự từ điểm a đến điểm đ khoản này như sau:
a) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
b) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;
c) Giá trên tài liệu gửi kèm hồ sơ giải quyết vụ án;
d) Giá thị trường tại thời điểm và địa điểm xác định giá tài sản;
đ) Trường hợp không thể căn cứ vào các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này để xác định giá trị tài sản tranh chấp thì Tòa án gửi văn bản đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp có ý kiến về việc xác định giá tài sản. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tài chính phải có ý kiến trả lời về việc xác định giá trị tài sản. Hết thời hạn này mà Tòa án không nhận được văn bản trả lời của cơ quan tài chính cùng cấp thì Tòa án ấn định mức tạm ứng án phí.
2. Trường hợp một trong các cơ sở quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này đã xác định được giá trị tài sản để tính tiền tạm ứng án phí thì không xem xét đến các cơ sở tiếp theo.
Theo đó, giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí sẽ được xác định dựa vào một trong những căn cứ tại khoản 1 nêu trên.
Lưu ý: Tòa án sẽ xét theo thứ tự ưu tiên từ điểm a đến điểm đ khoản 1 Điều 8. Nếu cơ sở nào ở trước đã xác định được giá trị tài sản để tính tiền tạm ứng án phí thì không xem xét đến các cơ sở tiếp theo.
Thế nào là vụ án dân sự có giá ngạch và không có giá ngạch?
Tại Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về các loại án phí trong vụ án dân sự cụ thể như sau:
Các loại án phí trong vụ án dân sự
1. Các loại án phí trong vụ án dân sự bao gồm:
a) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch;
b) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch;
c) Án phí dân sự phúc thẩm.
2. Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.
3. Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.
Theo đó, vụ án dân sự không có giá ngạch được hiểu là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể. (Ví dụ đương sự chỉ yêu cầu xác định chủ sở hữu của mảnh đất là ai).
Ngược lại, vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự sẽ là một số tiền hay một tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức, cá nhân trong công đoàn theo Quyết định 684?
- Dấu hợp quy được sử dụng như thế nào? Tổ chức công bố hợp quy sử dụng dấu hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa khi nào?
- 09 Trường hợp miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo Thông tư 53?
- Đánh giá độ không chắc chắn kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực thực hiện với nguồn phát thải khí nhà kính nào?
- Chi phí bán hàng là gì? Cách hạch toán chi phí bán hàng theo Thông tư 200? Tài khoản chi phí bán hàng?