Khi thay đổi kỳ kế toán từ năm dương lịch sang kỳ kế toán khác năm dương lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa có phải khóa sổ kế toán không?
- Kỳ kế toán là gì? Kỳ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm những kỳ nào?
- Khi thay đổi kỳ kế toán từ năm dương lịch sang kỳ kế toán khác năm dương lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa có phải khóa sổ kế toán không?
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa thay đổi kỳ kế toán nhưng không thực hiện khóa sổ kế toán thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Kỳ kế toán là gì? Kỳ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm những kỳ nào?
Kỳ kế toán là khoảng thời gian xác định từ thời điểm đơn vị kế toán bắt đầu ghi sổ kế toán đến thời điểm kết thúc việc ghi sổ kế toán, khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Kế toán 2015.
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Luật Kế toán 2015, kỳ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:
- Kỳ kế toán năm: là 12 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
Lưu ý: Doanh nghiệp nhỏ và vừa có đặc thù về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là 12 tháng tròn theo năm dương lịch, bắt đầu từ đầu ngày 01 tháng đầu quý này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau và phải thông báo cho cơ quan tài chính, cơ quan thuế.
- Kỳ kế toán quý: là 03 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý.
- Kỳ kế toán tháng: là 01 tháng, tính từ đầu ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng.
Khi thay đổi kỳ kế toán từ năm dương lịch sang kỳ kế toán khác năm dương lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa có phải khóa sổ kế toán không? (Hình từ Internet)
Khi thay đổi kỳ kế toán từ năm dương lịch sang kỳ kế toán khác năm dương lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa có phải khóa sổ kế toán không?
Căn cứ Điều 75 Thông tư 133/2016/TT-BTC có quy định:
Nguyên tắc lập và trình bày báo cáo tài chính khi thay đổi kỳ kế toán
Khi thay đổi kỳ kế toán, ví dụ đổi kỳ kế toán từ năm dương lịch sang kỳ kế toán khác năm dương lịch, doanh nghiệp phải tiến hành khóa sổ kế toán, lập Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:
1. Việc thay đổi kỳ kế toán phải tuân thủ theo quy định của Luật Kế toán. Khi thay đổi kỳ kế toán năm, kế toán phải lập riêng Báo cáo tài chính cho giai đoạn giữa 2 kỳ kế toán của năm tài chính cũ và năm tài chính mới.
Ví dụ: Doanh nghiệp có kỳ kế toán năm 2014 theo năm dương lịch. Năm 2015, doanh nghiệp chuyển sang áp dụng kỳ kế toán năm bắt đầu từ 1/4 năm trước đến 31/3 năm sau thì doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính cho giai đoạn từ 1/1/2015 đến 31/3/2015.
2. Đối với Báo cáo tình hình tài chính: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của kỳ kế toán trước khi chuyển đổi được ghi nhận là số dư đầu kỳ của kỳ kế toán mới và được trình bày trong cột “Số đầu năm”.
3. Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Số liệu kể từ thời điểm thay đổi kỳ kế toán đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên được trình bày trong cột “Kỳ này”, cột “kỳ trước” trình bày số liệu của 12 tháng trước tương đương với kỳ kế toán năm hiện tại.
Ví dụ: Tiếp theo ví dụ trên, khi trình bày cột “Kỳ trước” trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bắt đầu từ ngày 1/4/2015 và kết thúc ngày 31/3/2016, doanh nghiệp phải trình bày số liệu của giai đoạn từ 1/4/2014 đến 31/3/2015.
Theo đó, khi thay đổi kỳ kế toán từ năm dương lịch sang kỳ kế toán khác năm dương lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tiến hành khóa sổ kế toán, lập Báo cáo tài chính theo 3 nguyên tắc nêu trên.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa thay đổi kỳ kế toán nhưng không thực hiện khóa sổ kế toán thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán
...
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc mở sổ kế toán vào đầu kỳ kế toán năm hoặc từ ngày thành lập đơn vị kế toán;
b) Không có chứng từ kế toán chứng minh các thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán hoặc số liệu trên sổ kế toán không đúng với chứng từ kế toán;
c) Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm thực hiện không kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán năm trước liền kề hoặc sổ kế toán ghi không liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ;
d) Không thực hiện việc khóa sổ kế toán trong các trường hợp mà pháp luật quy định phải khóa sổ kế toán.
Và theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP thì mức phạt trên đây được áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa thay đổi kỳ kế toán nhưng không thực hiện việc khóa sổ kế toán thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản thẩm định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke (dịch vụ vũ trường) mới nhất hiện nay?
- Mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng cuối năm mới nhất? Tải mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng ở đâu?
- Người đại diện cố ý thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm gì?
- Hướng dẫn tự đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp? Tải về Mẫu phiếu tự đánh giá mới nhất?
- Hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước của tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?