Hợp đồng vay nợ không thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả nợ là khi nào?
Hợp đồng vay nợ không thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả nợ là khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Dân sự 2015 về thời hạn thực hiện nghĩa vụ như sau:
Thời hạn thực hiện nghĩa vụ
1. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp bên có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn.
3. Trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn
1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
Như vậy, đối với hợp đồng vay nợ không thỏa thuận thời hạn trả nợ thì thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả nợ có thể là bất cứ lúc nào khi các bên báo trước cho nhau một khoản thời gian hợp lý.
Hợp đồng vay nợ không thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả nợ là khi nào? (Hình từ Internet)
Có được xóa nợ trong trường hợp bên cho vay nợ chết không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo đó, các bên trong hợp đồng vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
...
Theo đó, bên vay nợ có nghĩa vụ phải trả nợ cho bên cho vay theo đúng thỏa thuận, vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn. Nếu vay tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng.
Do đó, trong trường hợp người cho vay chết thì bên vay nợ vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng vay.
Tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền thừa kế như sau:
Quyền thừa kế
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Theo đó, nếu bên cho vay chết thì di sản của họ để lại sẽ được chia thừa kế theo di chúc hoặc chia thừa kế theo pháp luật cho những người thừa kế. Bên vay nợ có nghĩa vụ tiếp tục trả nợ theo từng trường hợp sau:
(1) Trường hợp người cho vay chết có để lại di chúc hợp pháp thì bên vay nợ có nghĩa vụ trả nợ cho những người thừa kế theo di chúc;
(2) Trường hợp người cho vay chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì bên vay nợ sẽ có nghĩa vụ trả nợ cho những người thừa kế theo pháp luật.
Có được ủy quyền cho người khác thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay không?
Theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Và tại Điều 283 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba như sau:
Thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba
Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Như vậy, người vay nợ có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho mình những phải được bên có quyền là chủ nợ đồng ý.
Lưu ý: Bên vay nợ dù đã ủy quyền những vẫn là người chịu trách nhiệm với bên cho vay nếu người được ủy quyền không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu quyết định đổi lại thẻ đảng viên bị hỏng hiện nay là mẫu nào? Thủ tục đổi lại thẻ đảng viên bị hỏng như thế nào?
- Bản kiểm điểm Đảng viên dự bị 2024 mẫu 10-KNĐ? Cách viết mẫu bản kiểm điểm Đảng viên dự bị 2024 thế nào?
- Hướng dẫn hiệp thương chọn cử Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và các chức danh lãnh đạo của Hội ở các cấp?
- Hạn nộp tờ khai thuế tháng 10/2024 là khi nào? Có được gia hạn nộp tờ khai thuế tháng 10/2024 không?
- Là thành viên các group xin link 18+ trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền lên đến 10 triệu đồng?