Hoạt động truy xuất nguồn gốc được hiểu như thế nào? Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm các nguyên tắc gì?
Hoạt động truy xuất nguồn gốc được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 2.9 Mục 2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 về Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc có quy định:
Truy xuất nguồn gốc là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.
CHÚ THÍCH: Khi xem xét một sản phẩm hay dịch vụ truy xuất nguồn gốc có thể liên quan đến: xuất xứ của vật liệu hoặc chi tiết, bộ phận; lịch sử quá trình chế tạo; việc phân phối và vị trí của sản phẩm hoặc dịch vụ sau khi giao.
Còn đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc tại tiểu mục 2.10 Mục này có nêu hệ thống bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm.
Hoạt động truy xuất nguồn gốc được hiểu như thế nào? (Hình từ Internet)
Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm các nguyên tắc gì?
Tại Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 thì hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc “Một bước trước - một bước sau”: Để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm.
- Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.
- Nguyên tắc “minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.
- Nguyên tắc “có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.
CHÚ THÍCH: Bên tham gia truy xuất trong hệ thống có thể gồm
+Bộ phận quản lý chất lượng và an toàn:
+Bộ phận pháp chế liên quan đến các yêu cầu của pháp lý và tổ chức;
+Bộ phận quan hệ khách hàng mà cần chia sẻ thông tin liên quan;
+Bộ phận được giao nhiệm vụ chống giả, bảo mật chuỗi cung ứng hoặc bảo vệ thương hiệu;
+Bộ phận chịu trách nhiệm xã hội chuyên về các vấn đề đạo đức và môi trường;
+Bộ phận quản lý vòng đời sản phẩm;
+Bộ phận chịu trách nhiệm vận tải và logistic;
+Bộ phận quản lý và phát triển hệ thống.
Các đối tượng truy xuất nguồn gốc phải được định danh như thế nào? Và yêu cầu đối với phạm vi truy xuất thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 4.3 Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 có nêu tổ chức phải định danh đơn nhất các đối tượng truy xuất. Việc định danh các đối tượng truy xuất có thể theo ba mức định danh chính:
- Định danh loại sản phẩm: Đối tượng được định danh bằng mã định danh sản phẩm và bộ phận, cho phép phân biệt đối tượng với các sản phẩm hoặc bộ phận khác.
- Định danh lô, mẻ: Mã định danh sản phẩm hoặc cấu phần kết hợp với số lô hoặc mẻ để giới hạn số lượng đối tượng có thể truy xuất có cùng mã định danh thành một nhóm cụ thể nhỏ hơn.
- Định danh đơn vị: Đối tượng truy xuất được xác định bằng mã định danh kèm số sê-ri để giới hạn số lượng đối tượng truy xuất có cùng mã định danh thành một đơn vị đơn nhất.
CHÚ THÍCH 1: Các mục tiêu của hệ thống truy xuất nguồn gốc và bản thân chuỗi cung ứng là tiêu chí chính để xác định mức định danh phù hợp.
CHÚ THÍCH 2: Các sản phẩm và thành phần liên quan đến rủi ro cao luôn được xác định ở mức lô, mẻ hoặc mức đơn vị.
CHÚ THÍCH 3: Hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể áp dụng kết hợp nhiều mức định danh.
CHÚ THÍCH 4: Các yêu cầu định danh được xác định trong các tiêu chuẩn quốc gia cụ thể về truy xuất nguồn gốc của lĩnh vực, sản phẩm (nếu có).
Và đối với phạm vi truy xuất được quy định tại tiểu mục 4.4 Mục này thì tổ chức phải xác định phạm vi của hệ thống truy xuất nguồn gốc, bao gồm:
- Số bước trước - sau mà chuỗi cung ứng của tổ chức cần phải chia sẻ dữ liệu.
- Số các bên truy xuất nguồn gốc tham gia trong tổ chức hoặc chuỗi cung ứng mà tổ chức cần tương tác trực tiếp.
- Các thành phần chính, bao bì và các nguyên liệu gián tiếp mà tổ chức cần theo dõi.
- Nhu cầu tích hợp chia sẻ dữ liệu với người dùng cuối của hệ thống.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?
- Hướng dẫn lập Bảng cân đối tài khoản kế toán hợp tác xã chi tiết? Quyền của hợp tác xã được quy định như thế nào?
- Cá nhân kinh doanh khai sai căn cứ tính thuế không bị xử phạt hành chính trong trường hợp nào theo quy định?
- Lịch bắn pháo hoa TP Buôn Ma Thuột ngày 22 11 2024 như thế nào? Thời gian bắn pháo hoa TP Buôn Ma Thuột ngày 22 11 2024 ra sao?
- Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức áp dụng từ 20 11 2024 theo Quyết định 2410 QĐ-NHNN?