Hoạt động tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan nhà nước được lấy kinh phí từ đâu?
- Hoạt động tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan nhà nước được lấy kinh phí từ đâu?
- Việc báo cáo của các cơ quan nhà nước khi phân phối nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện trong thời gian nào?
- Tài chính của cơ quan nhà nước để vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện được quản lý như thế nào?
Hoạt động tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan nhà nước được lấy kinh phí từ đâu?
Kinh phí thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
Kinh phí thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện theo quy định tai Điều 12 Nghị định 93/2021/NĐ-CP cụ thể như sau:
"1. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện từ nguồn kinh phí hoạt động hằng năm của cơ quan, đơn vị.
2. Trường hợp phát sinh chi phí ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Không sử dụng nguồn tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện tiếp nhận được để chi trả các khoản chi phát sinh của tổ chức, cơ quan, đơn vị trong quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
Riêng chi phí phát sinh của doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân trong quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy chế quản lý tài chính của tổ chức và quy định của pháp luật có liên quan."
Căn cứ vào quy định trên, có thể thấy cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện từ nguồn kinh phí hoạt động hằng năm của cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp có chi phí phát sinh ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ sẽ báo cáo với cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí theo đúng quy định của pháp luật. Những cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ này không được phép sử dụng nguồn tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện để chi trả kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Chỉ trong trường hợp các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện đồng ý thì mới được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng vẫn phải làm tổng hợp và công khai những khoản chi phí này.
Việc báo cáo của các cơ quan nhà nước khi phân phối nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện trong thời gian nào?
Tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 93/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
"Điều 13. Quản lý tài chính, xây dựng, chế độ báo cáo
...
2. Chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc cuộc vận động, Ban Vận động cấp tỉnh báo cáo Ban Vận động Trung ương để tổng hợp, lập báo cáo về kết quả vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng tiền, hiện vật và số tiền, hiện vật còn dư (nếu có), gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan. Ban Vận động cấp xã, huyện, tỉnh báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời gửi cơ quan tài chính cùng cấp."
Căn cứ theo quy định trên, Ban Vận động cấp tỉnh phải báo cáo cho Ban Vận động Trung ương để tổng hợp và lập báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng khoản đóng góp tự nguyện để gửi đến các cấp liên quan. Đồng thời, Ban Vận động cấp xã, huyện, tỉnh phải báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
Tài chính của cơ quan nhà nước để vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện được quản lý như thế nào?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 93/2021/NĐ-CP, việc quản lý tài chính được quy định cụ thể như sau:
- Các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, phân phối tiền đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm phản ánh việc tiếp nhận, phân phối vào báo cáo tài chính của tổ chức, cơ quan, đơn vị theo quy định hiện hành.
+ Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang trực tiếp sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho chính cơ quan, đơn vị đó thì báo cáo cấp có thẩm quyền để bổ sung dự toán và tổng hợp vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước;
+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân, thực hiện quản lý tài chính các khoản đóng góp tự nguyện vận động được theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
- Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức bộ máy độc lập đều phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch.
- Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện không tổ chức bộ máy độc lập (được giao kiêm nhiệm quản lý) thì được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị, nhưng vẫn phải theo dõi riêng các khoản thu, chi cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích; hằng năm phải lập báo cáo, công khai số liệu theo quy định của pháp luật, đồng thời thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính của đơn vị minh bạch và rõ ràng.
- Các nguồn đóng góp tự nguyện bằng hiện vật để thực hiện dự án đầu tư sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu, căn cứ đơn giá hiện vật để hạch toán vào giá trị công trình, dự án hoàn thành bàn giao tài sản cho tổ chức, cơ quan, đơn vị quản lý để theo dõi, không tổng hợp vào ngân sách nhà nước.
- Các khoản tài trợ, hỗ trợ tài sản cụ thể là công trình hạ tầng thiết yếu, trang thiết bị, việc tiếp nhận, xác định giá trị và quản lý tài sản thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Các tổ chức được giao quản lý tài sản hạch toán tăng giá trị tài sản tương ứng.
- Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện thì kinh phí hoạt động được trích từ nguồn kinh phí hoạt động hàng năm của cơ quan, đơn vị. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức đóng góp tự nguyện đồng ý, nhưng vẫn phải làm tổng hợp và công khai những khoản chi phí này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế từ ngày 6/2/2025 như thế nào? Quy định về đối tượng đăng ký thuế 2025 ra sao?
- Giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam ngắn gọn? Các ngày lễ, tết truyền thống của Việt Nam? Tết diễn ra vào ngày nào đến ngày nào?
- Bảng tiêu chí xếp hạng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo Thông tư 11? Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý bao nhiêu?
- Phân biệt biển báo cấm dừng xe và cấm đỗ xe 2025? Lỗi đỗ xe không bật đèn cảnh báo ô tô phạt bao nhiêu 2025?
- Hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm mục đích gì?