Hóa chất gia dụng có bắt buộc phải dán nhãn có ghi kèm hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt hay không?
Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động mua bán hóa chất cần tuân thủ quy định gì về ghi nhãn hóa chất?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 113/2017/NĐ-CP có quy định như sau:
"2. Kinh doanh hóa chất bao gồm hoạt động buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất để cung ứng hóa chất trên thị trường nhằm mục đích sinh lời."
Theo đó, doanh nghiệp bạn đang thực hiện hoạt động kinh doanh hóa chất theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 32/2017/TT-BCT có quy định về việc phân loại và ghi nhãn hóa chất cụ thể như sau:
"Điều 6. Phân loại và ghi nhãn hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất có nghĩa vụ phân loại và ghi nhãn hóa chất, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại hóa chất và thông tin thể hiện trên nhãn hóa chất.
2. Việc phân loại hóa chất được thực hiện theo quy tắc và hướng dẫn kỹ thuật của GHS từ Phiên bản 2 năm 2007 trở đi. Hướng dẫn chung và tiêu chí phân loại hóa chất theo GHS được quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này.
3. Việc ghi nhãn hóa chất được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này. Nhãn hóa chất bao gồm các nội dung sau:
a) Tên hóa chất;
b) Mã nhận dạng hóa chất (nếu có);
c) Hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ (nếu có);
d) Biện pháp phòng ngừa (nếu có);
đ) Định lượng;
e) Thành phần hoặc thành phần định lượng;
g) Ngày sản xuất;
h) Hạn sử dụng (nếu có);
i) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hóa chất;
k) Xuất xứ hóa chất;
l) Hướng dẫn sử dụng, bảo quản.
4. Vị trí nhãn hóa chất thực hiện theo Điều 4; nhãn phụ hóa chất thực hiện theo khoản 3 Điều 7 và khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Trường hợp do kích thước của nhãn hóa chất không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung được quy định tại các điểm a, i và k khoản 3 Điều này trên nhãn hóa chất, những nội dung còn lại phải ghi trong tài liệu kèm theo hóa chất và trên nhãn hóa chất phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
5. Hình đồ cảnh báo trong vận chuyển hóa chất nguy hiểm được quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này."
Như vậy, việc công ty bạn kinh doanh hóa chất thông qua hình thức nhập khẩu hóa chất về để cung ứng ra thị trường nhằm mục đích sinh lời thì phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phân loại và ghi nhãn như trên.
Đối với hàng hóa là hóa chất thì nhãn hàng hóa cần được ghi ở vị trí nào?
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, vị trí nhãn hàng hóa được quy định cụ thể như sau:
"Điều 4. Vị trí nhãn hàng hóa
1. Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
2. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc."
Như vậy, đối với hàng hóa là hóa chất, nhãn hàng hóa cũng được thể hiện giống quy định chung đối với các hàng hóa khác, tức được thể hiện ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
Hóa chất gia dụng có bắt buộc phải dán nhãn có ghi kèm hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt hay không?
Hóa chất gia dụng có bắt buộc phải dán nhãn có ghi kèm hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt hay không? (Hình từ Internet)
Căn cứ số thứ tự 15 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được thay thế bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 111/2021/NĐ-CP, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của hàng hóa đối với hàng hóa là hóa chất gia dụng được quy định cụ thể như sau:
"15 - Hóa chất gia dụng
a) Định lượng;
b) Ngày sản xuất;
c) Hạn sử dụng;
d) Thành phần hoặc hàm lượng hoạt chất;
đ) Số lô sản xuất;
e) Số đăng ký lưu hành tại Việt Nam;
g) Thông tin cảnh báo;
h) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản."
Đồng thời, tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP có quy định về việc ghi nhãn phụ như sau:
"Điều 8. Ghi nhãn phụ
[...]
4. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa."
Như vậy hướng dẫn sử dụng là một trong các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với hóa chất. Nội dung này nếu thể hiện bằng tiếng Anh thì phải được dịch ra bằng tiếng Việt thông qua nhãn phụ theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa hiện hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Số lượng thành viên Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập có bắt buộc phải là số lẻ không?
- Dịch vụ ngân quỹ là gì? Những nội dung tối thiểu cần có trong hợp đồng cung ứng dịch vụ ngân quỹ?
- Thiết kế sơ bộ trong xây dựng là thiết kế thể hiện những gì? Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng?
- Nguồn phát thải khí nhà kính là gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng gồm những gì?
- Công bố hợp chuẩn là gì? Thủ tục công bố hợp chuẩn gồm bước nào? Đối tượng của công bố hợp chuẩn là gì?