Trường hợp nhà nước thu hồi đất ở Bình Thuận mà phải tháo dỡ nhà ở, công trình thì có phải bồi thường thiệt hại cho hộ gia đình, cá nhân không?
Có được bồi thường vì tháo dỡ nhà khi Nhà nước thu hồi đất hay không?
Theo Điều 35 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 08/2015/QĐ-UBND quy định về bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
- Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường theo khoản 1 Điều 89 Luật Đất đai;
- Đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đất đai thì được thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và được quy định cụ thể như sau:
Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.
Mức bồi thường theo khoản 2 Điều này không thấp hơn 50% và không vượt quá 100% giá trị xây mới nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà công trình bị thiệt hại.
- Đối với nhà, công trình xây dựng theo khoản 1 và khoản 2 Điều này bị phá dỡ một phần mà phần còn lại không còn sử dụng được thì bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình. Trường hợp nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần, nhưng vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ như sau:
+ Đối với nhà khung, cột chịu lực hoặc kết cấu khung thép thì diện tích nhà được bồi thường bổ sung tính từ phạm vi thiệt hại thực tế đến khung, cột chịu lực gần nhất. Đối với nhà kết cấu xây gạch chịu lực, không ảnh hưởng tới an toàn của căn nhà thì diện tích xây dựng được bồi thường bổ sung tính sâu vào 2 m. Đối với các trường hợp mức tính bổ sung chiều sâu 2 m không đủ đảm bảo an toàn của căn nhà thì Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện xem xét trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
+ Bồi thường chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà ở, công trình trước khi bị phá dỡ.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng xem xét quyết định phần còn lại của nhà, công trình được tồn tại và sử dụng hoặc không được tồn tại và sử dụng cho phù hợp thực tiễn tại địa phương.
- Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì mức bồi thường cụ thể do Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
- Giao Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đơn giá bồi thường nhà cửa, công trình, vật kiến trúc theo khoản 1 Điều này, xác định mức bồi thường tại khoản 4 Điều này và xác định năm khấu hao áp dụng đối với từng loại nhà, công trình bị thiệt hại theo khoản 2 Điều 9 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.
Trường hợp nhà nước thu hồi đất ở Bình Thuận mà phải tháo dỡ nhà ở, công trình thì có phải bồi thường thiệt hại cho hộ gia đình, cá nhân không?
Quy định về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi?
Theo Điều 37 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 08/2015/QĐ-UBND quy định về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
- Thực hiện theo quy định tại Điều 90 Luật Đất đai.
- Mức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 90 Luật Đất đai:
+ Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường;
+ Đối với vật nuôi là thủy sản mà khi hết thời hạn thông báo thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai, vẫn chưa đến thời kỳ thu hoạch thì Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường được tiếp tục thông báo cho người có đất bị thu hồi được thêm 3 tháng nữa (tính từ thời điểm hết hạn thông báo thu hồi đất lần đầu) để người có đất bị thu hồi chủ động thu hoạch sản phẩm và Nhà nước không phải bồi thường. Nếu sau thời hạn này mà không thu hoạch thì không được bồi thường;
+ Trường hợp cần giải tỏa gấp, thời gian thông báo cho người có đất bị thu hồi biết trước chưa đủ 03 tháng theo khoản 2 Điều này, đối với vật nuôi mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra.
- Người có đất bị thu hồi có trách nhiệm thực hiện việc kê khai, Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường có trách nhiệm xác định bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm hoặc chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra, để gửi kết quả cho Hội đồng bồi thường cấp huyện lấy ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường theo quy định.
- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về mật độ cây trồng, đơn giá bồi thường cây trồng để làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Quy định về bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất tại Bình Thuận?
Theo Điều 38 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 08/2015/QĐ-UBND quy định về bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
- Thực hiện theo quy định tại Điều 91 Luật Đất đai.
- Đối với hộ gia đình, cá nhân:
+ Bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển tài sản đối với hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển nhà ở trong phạm vi tỉnh đối với mỗi hộ là 10.000.000 (mười triệu) đồng; di chuyển sang tỉnh khác đối với mỗi hộ là 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng.
+ Bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt máy móc, vật tư đến vị trí khác của hộ gia đình, cá nhân không phải di chuyển chỗ ở bằng 50% mức bồi thường tại điểm a Khoản này.
- Đối với tổ chức: Được bồi thường thiệt hại theo thực tế kê khai của chủ sở hữu tài sản và có chứng từ hóa đơn hợp pháp kèm theo; trường hợp không có chứng từ hóa đơn hợp pháp thì chủ sở hữu tài sản phải chịu trách nhiệm pháp lý về kê khai của mình; Hội đồng bồi thường cấp huyện chịu trách nhiệm thẩm định để trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt trong phương án bồi thường theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư có cung cấp các dịch vụ bảo vệ không? Ai có trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư?
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản mới nhất theo quy định hiện nay?
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?
- Nghị quyết 1278 sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 thế nào?