Trường hợp nào được xem là người khuyết tật? Điều kiện hưởng trợ cấp người khuyết tật được quy định như thế nào?
Trường hợp nào được xem là người khuyết tật?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về khái niệm người khuyết tật cụ thể như sau:
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Theo đó, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định thì người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:
(i) Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
(ii) Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
(iii) Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại mục (i), (ii).
Trường hợp nào được xem là người khuyết tật? Điều kiện hưởng trợ cấp người khuyết tật được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Điều kiện hưởng trợ cấp người khuyết tật được quy định như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng người khuyết tật cụ thể như sau:
- Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ những người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
- Người khuyết tật nặng.
Ngoài việc được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, những người khuyết tật còn được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng như sau:
- Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;
- Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Đối người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.
Nhà nước có những chính sách nào về người khuyết tật?
Đối với những chính sách của Nhà nước dành cho người khuyết tật thì tại Điều 5 Luật Người khuyết tật 2010 quy định như sau:
- Hàng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật.
- Phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật.
- Bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi.
- Lồng ghép chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
- Tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.
- Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác tư vấn, chăm sóc người khuyết tật.
- Khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
- Tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật hoạt động.
- Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong việc trợ giúp người khuyết tật.
- Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Người khuyết tật có quyền và nghĩa vụ gì?
Đối với quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật thì tại Điều 4 Luật Người khuyết tật 2010 quy định cụ thể như sau:
Người khuyết tật được bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;
- Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;
- Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội;
- Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Người khuyết tật thực hiện các nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?
- Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn là gì? Yêu cầu chung về quản lý chất lượng như thế nào?
- Tổng hợp mẫu vẽ tranh vẽ ngày tết đơn giản 2025 đẹp nhất? Đánh giá định kỳ, thường xuyên học sinh tiểu học thế nào?