Trích xuất bị can, bị cáo đang chấp hành hình phạt tù để phục vụ yêu cầu xét xử vụ án khác thì có phải bổ sung quyết định tạm giam bị can, bị cáo không?
- Trích xuất bị can, bị cáo đang chấp hành phạt tù trong trường hợp nào?
- Tòa án yêu cầu trích xuất bị can, bị cáo đang chấp hành hình phạt tù để phục vụ yêu cầu xét xử thì có phải bổ sung quyết định tạm giam đối với bị can, bị cáo không?
- Chế độ giam giữ bị can, bị cáo đang chấp hành hình phạt tù để phục vụ yêu cầu xét xử trong vụ án khác như thế nào?
Trích xuất bị can, bị cáo đang chấp hành phạt tù trong trường hợp nào?
Theo khoản 1 Điều 20 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định như sau:
Thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Việc trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được thực hiện khi có lệnh trích xuất của người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự và Luật này, trong trường hợp sau đây:
a) Để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
b) Đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
c) Gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;
d) Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo sự thỏa thuận giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc vì lý do đối ngoại đối với từng trường hợp cụ thể.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc trích xuất bị can, bị cáo khi có lệnh trích xuất của người có thẩm quyền và thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
- Để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
- Đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
- Gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;
- Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo sự thỏa thuận giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc vì lý do đối ngoại đối với từng trường hợp cụ thể.
Trích xuất bị can, bị cáo đang chấp hành hình phạt tù để phục vụ yêu cầu xét xử vụ án khác thì có phải bổ sung Quyết định tạm giam bị can, bị cáo không? (Hình từ internet)
Tòa án yêu cầu trích xuất bị can, bị cáo đang chấp hành hình phạt tù để phục vụ yêu cầu xét xử thì có phải bổ sung quyết định tạm giam đối với bị can, bị cáo không?
Căn cứ vào mục 3 phần II Công văn số 89/TANDTC-PC năm 2020 hướng dẫn như sau:
3. Trong vụ án hình sự, có bị can, bị cáo đang thi hành án hình phạt tù ở một vụ án trước hoặc có bị can, bị cáo đang thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, khi trích xuất bị can, bị cáo để phục vụ việc xét xử Tòa án có phải ra Quyết định tạm giam để làm căn cứ trích xuất được bị cáo đến phiên tòa không? (Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 30-5-2013 và Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23-01-2018 không nêu rõ trường hợp này).
- Đối với bị can, bị cáo đang thi hành án hình phạt tù ở một vụ án trước thì không ra quyết định tạm giam mà chỉ ra quyết định trích xuất để phục vụ công tác xét xử vụ án. Vì không có căn cứ tạm giam theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Hiện nay, liên ngành trung ương đang soạn thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 04 nêu trên, trong đó đã hướng dẫn trường hợp này khi phạm nhân được trích xuất phục vụ điều tra, truy tố, xét xử thì chế độ quản lý giam giữ, chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với phạm nhân được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
- Đối với bị can, bị cáo đang thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Tòa án có thể yêu cầu Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó theo quy định tại Điều 117 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Sau đó, tùy trường hợp căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để xem xét áp dụng biện pháp tạm giam hay biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can, bị cáo đó.
Theo đó, đối với bị can, bị cáo đang thi hành án hình phạt tù ở một vụ án trước thì không ra quyết định tạm giam mà chỉ ra quyết định trích xuất để phục vụ công tác xét xử vụ án. Vì không có căn cứ tạm giam theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Căn cứ theo tiểu mục 5 Mục II Công văn 206/TANDTC-PC năm 2022 hướng dẫn như sau
5. Khi Tòa án yêu cầu trích xuất bị can, bị cáo đang chấp hành hình phạt tù trong vụ án khác để phục vụ yêu cầu xét xử ngoài văn bản yêu cầu trích xuất, Tòa án có còn phải bổ sung Quyết định tạm giam đối với phạm nhân là bị can, bị cáo trong thời gian trích xuất không?
Trường hợp này, đã được hướng dẫn tại mục 3 phần II Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử: “Đối với bị can, bị cáo đang thi hành án hình phạt tù ở một vụ án trước thì không ra quyết định tạm giam mà chỉ ra quyết định trích xuất để phục vụ công tác xét xử vụ án. Vì không có căn cứ tạm giam theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Mặt khác, Điều 9 của Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP-TANDTC- VKSNDTC ngày 17/6/2020 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử đã quy định chế độ giam giữ đối với trường hợp này, khi được trích xuất theo Lệnh/Quyết định trích xuất mà không phải Quyết định tạm giam.
Như vậy, theo hướng dẫn trên, khi Tòa án yêu cầu trích xuất bị can, bị cáo đang chấp hành hình phạt tù trong vụ án khác để phục vụ yêu cầu xét xử ngoài văn bản yêu cầu trích xuất, trường hợp này là được trích xuất theo lệnh/quyết định trích xuất nên Tòa án không phải bổ sung quyết định tạm giam bị can, bị cáo trong thời gian trích xuất.
Chế độ giam giữ bị can, bị cáo đang chấp hành hình phạt tù để phục vụ yêu cầu xét xử trong vụ án khác như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 9 của Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định về chế độ giam giữ đối với trường hợp không phải là bị can, bị cáo trong vụ án đang điều tra, truy tố, xét xử được quy định như sau:
- Cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất bố trí giam giữ và thực hiện chế độ đối với phạm nhân được trích xuất theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các quy định của pháp luật có liên quan
- Đồng thời sau khi hoàn thành việc xếp loại chấp hành án phạt tù phải gửi ngay kết quả xếp loại hoặc bản nhận xét kết quả chấp hành nội quy cơ sở giam giữ của phạm nhân được trích xuất cho cơ quan đang quản lý hồ sơ phạm nhân để xem xét, lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân được trích xuất nếu họ đủ điều kiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khai thuế, tính thuế là gì? Địa điểm khai thuế, tính thuế của người nộp thuế là ở đâu theo quy định?
- Quyết định kết nạp đảng viên của cấp ủy có thẩm quyền Mẫu 9-KNĐ? Xây dựng, thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên ở chi bộ thế nào?
- Thông tin người nộp thuế là thông tin do người nộp thuế cung cấp hay do cơ quan thuế thu thập được?
- Giáo viên chủ nhiệm có được tham dự các cuộc họp của Hội đồng kỷ luật học sinh? Giáo viên có được làm chủ tịch Hội đồng kỷ luật học sinh?
- Có phải ký hợp đồng đào tạo khi người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề để làm việc cho mình không?