Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trọng điểm ngành giao thông năm 2023 như thế nào?
- Đánh giá của Thủ tướng Chính phủ về hiện trường công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông hiện nay là gì?
- Những kinh nghiệm được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra sau khi đánh giá thực tiễn quá trình triển khai dự án ngành giao thông là gì?
- 7 yêu cầu chung khi triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông là gì?
Đánh giá của Thủ tướng Chính phủ về hiện trường công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông hiện nay là gì?
Ngày 15/2/2023 Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 29/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông.
Theo đó, tại tiểu mục 1 Mục A Thông báo 29/TB-VPCP năm 2023 Thủ tướng Chính phủ có đánh giá như sau:
- Trên toàn bộ các công trường, các dự án được kiểm tra, thị sát đều có khí thế quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong việc thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kế cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại;
Tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặt biệt là cảng hàng không trọng điểm; đến năm 2030 cả nước có khoảng 5 nghìn ki-lô-mét đường bộ cao tốc, trong đó phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025).
- Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên bố trí tối đa mọi nguồn lực (vốn đầu tư công, chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; tăng thu tiết kiệm chi, nguồn vốn ngân sách của địa phương) để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có các tuyến đường cao tốc: đầu tư đường cao tốc Bắc Nam phía Đông; các vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường cao tốc kết nối Tây Bắc; Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
- Trong suốt những năm qua đến năm 2021 (từ khi có chủ trương đầu tư đường cao tốc), cả nước mới đầu tư được khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, trong giai đoạn 5 năm (từ năm 2021 đến năm 2025) cần phải hoàn thành gấp đôi khối lượng của giai đoạn qua. Đây là nhiệm vụ, trách nhiệm rất lớn trong thời gian tới.
Với vai trò, vị trí và tầm quan trọng rất lớn của các dự án giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vì vậy toàn hệ thống chính trị cần phải nhận thức và quyết tâm hành động để thực hiện thành công nhiệm vụ này.
- Đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố có liên quan đã nỗ lực, huy động tối đa nguồn lực để hoàn thành rất tốt công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện các dự án. Trân trọng biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần quyết tâm vượt khó của cán bộ, công nhân viên, người lao động đã làm việc tích cực, liên tục “3 ca, 4 kíp”, nhiều công trình thi công xuyên Tết Quý Mão.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đường cao tốc cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiến độ thi công được cải thiện rõ rệt, nhiều tuyến đường bộ cao tốc đã từng bước được hoàn thiện.
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trọng điểm ngành giao thông năm 2023? (Hình từ Internet)
Những kinh nghiệm được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra sau khi đánh giá thực tiễn quá trình triển khai dự án ngành giao thông là gì?
Tại tiểu mục 2 Mục A Thông báo 29/TB-VPCP năm 2023 Thủ tướng Chính phủ chỉ ra những nội dung về bài học kinh nghiệm trong thực tiễn quá trình triển khai các dự án thời gian qua như sau:
- Bám sát thực tiễn, xử lý nhanh chóng, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình triển khai các dự án; tăng cường công tác quản lý thường xuyên, kiểm tra, đôn đốc và giám sát quá trình thực hiện, lấy kết quả sản phẩm cụ thể làm thước đo, đánh giá tổ chức, cá nhân. Các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải làm tốt, chịu trách nhiệm toàn diện quy định pháp luật và trước cơ quan chủ quản.
- Không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp với thực tế và quy định pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật để lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý dự án quy mô lớn, có năng lực vận hành và triển khai hiệu quả.
- Một số dự án đầu tư theo phương thức PPP đang triển khai tốt, nhanh hơn so với dự án đầu tư công nhờ áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật.
Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích để thu hút được tối đa nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (nhà nước không thể có đủ nguồn lực để đầu tư được tất cả cơ sở hạ tầng). Các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm hướng dẫn, thúc đẩy trên cơ sở bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, chia sẻ rủi ro hợp lý giữa các bên.
- Các địa phương phải chủ động, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, “ỉ lại” Trung ương; không đầu tư dàn trải; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào dứt điểm việc đó; tập trung đầu tư các đường kết nối với đường cao tốc tạo không gian phát triển mới (khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ, đô thị...)
- Quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể (tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 04 làn xe ô tô, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80-100km/h; tuyến thẳng nhất có thể, hạn chế tối đa đi qua khu dân cư, quân sự; tinh thần là qua sông bắc cầu, qua núi, qua đồi thì làm hầm và qua đồng bằng thì đắp đất, đổ cát) và có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc, không đầu tư cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe, gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng.
- Tăng cường phân cấp cho địa phương, đi cùng phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi cho đội ngũ cán bộ theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước (trước đây các dự án do Trung ương, trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải triển khai, nay phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền các dự án cao tốc nhằm phát huy tính chủ động, tính sát thực, nguồn lực của địa phương).
7 yêu cầu chung khi triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông là gì?
Tại tiểu mục 1 Mục B Thông báo 29/TB-VPCP năm 2023 thì Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các nhóm yêu cầu đối với việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông như sau:
- Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là vấn đề khó khăn nhất trong triển khai dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án, công trình giao thông. Bí thư, cấp ủy phải làm Trưởng Ban chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, kết hợp ban dân vận, giúp người dân. Mục tiêu Đảng và Nhà nước không có gì khác là bảo đảm cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; thực hiện đúng chính sách cho người dân, bảo đảm tốt nhất có thể, nơi ở mới ít nhất cũng phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Phải vận động, giáo dục, tuyên truyền để người dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ; kịp thời đối thoại, trao đổi với người dân tránh khiếu kiện kéo dài, mất ổn định chính trị.
- Nâng cao hơn nữa tính chủ động phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan. Khi có vướng mắc thuộc trách nhiệm của Bộ nào thì Bộ trưởng phải chủ trì, phối hợp với các Bộ trưởng liên quan theo Quy chế làm việc của Chính phủ để xử lý ngay, dứt điểm, không để kéo dài.
- Lựa chọn nhà thầu phải nghiêm túc, vô tư, trong sáng, công khai, minh bạch, rõ ràng tuân thủ quy định pháp luật, tuyệt đối không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; không chia nhỏ gói thầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 46/TB-VPCP ngày 19/2/2022.
- Các Bộ, cơ quan ban ngành và các đơn vị liên quan phải quán triệt 5 yêu cầu sau trong quá trình triển khai dự án: thứ nhất phải bảo đảm chất lượng; thứ hai phải bảo đảm tiến độ (trong đó công tác xây dựng kế hoạch phải bám sát yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, đồng thời phải sát thực tế, khả thi, không phải điều chỉnh đi, điều chỉnh lại); thứ ba phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường, sinh thái; thứ tư không được đội vốn bất hợp lý; thứ năm chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm và đi đôi chăm lo đời sống, an sinh xã hội người lao động, nhân dân.
- Nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ hợp đồng ký kết, bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án, đặt lợi ích chung của đất nước lên trên hết.
- Công tác thanh tra, kiểm toán thực hiện theo quy định pháp luật; vừa làm vừa kiểm toán, kiểm tra thông qua các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Bộ, ngành, địa phương để chủ động phòng ngừa và chống sai phạm trong quá trình triển khai các dự án.
- Nguồn vốn, kế hoạch vốn phải được bố trí đầy đủ; làm đến đâu nghiệm thu, thanh toán đến đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Em trai đến nhà anh chị ruột chơi có phải thông báo lưu trú không? Anh chị ruột thực hiện thông báo lưu trú theo hình thức nào?
- Từ 1/12/2024 chính thức hết giảm thuế trước bạ ô tô 50% theo Nghị định 109? Thuế trước bạ ô tô từ 1/12/2024 ra sao?
- Bản kiểm điểm của Phó Bí thư chi bộ cuối năm 2024 là Đảng viên? Bản kiểm điểm của Phó Bí thư chi bộ trường học là Đảng viên?
- Mức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất gây thiệt hại đối với cây trồng chưa thu hoạch được tính thế nào?
- Đang bảo lưu kết quả học tập đại học có phải đi nghĩa vụ quân sự không? Sức khỏe loại mấy không được tham gia nghĩa vụ quân sự?