Tác hại của hàng giả hàng nhái là gì? Phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả bị xử phạt bao nhiêu năm tù?
Tác hại của hàng giả hàng nhái là gì?
Căn cứ tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng giả bao gồm:
- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Hàng giả hàng nhái có tác hại vô cùng nghiêm trọng đối với người tiêu dùng và ảnh hướng đến các khía cạnh đời sống xã hội:
Ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng:
Hàng giả thường làm từ nguyên liệu rẻ, không kiểm định chất lượng. Mỹ phẩm giả có thể gây kích ứng, viêm da, ung thư; thực phẩm giả chứa chất độc, gây ngộ độc và hại nội tạng; thuốc giả khiến bệnh nặng hơn; đồ điện tử giả có nguy cơ cháy nổ; quần áo, giày dép giả dễ gây dị ứng.
Thiệt hại kinh tế:
Hàng giả làm giảm doanh thu của doanh nghiệp thật, gây thất nghiệp, thất thu thuế cho nhà nước, giảm niềm tin người tiêu dùng và cản trở phát triển kinh tế. Việc chống hàng giả cũng tốn kém cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp:
Một sản phẩm bị làm giả có thể khiến người tiêu dùng quay lưng với thương hiệu thật, doanh số giảm mạnh và việc khôi phục uy tín rất khó khăn, tốn kém.
Gây ô nhiễm môi trường:
Quy trình sản xuất hàng giả không đảm bảo an toàn môi trường, thải chất độc gây ô nhiễm không khí, nước, đất, ảnh hưởng hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Mất trật tự xã hội:
Hàng giả liên quan đến buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền. Các đường dây này thường có tổ chức, gây khó khăn cho cơ quan chức năng và làm suy yếu môi trường kinh doanh lành mạnh.
Kìm hãm khoa học công nghệ:
Việc sao chép sản phẩm khiến doanh nghiệp không còn động lực sáng tạo hay đầu tư nghiên cứu, làm chậm sự phát triển công nghệ và giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tác hại của hàng giả hàng nhái là gì? Phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả bị xử phạt bao nhiêu năm tù? (Hình từ Internet)
Phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả bị xử phạt bao nhiêu năm tù?
Căn cứ theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
...
Theo đó, khi sản xuất buôn bán hàng giả, có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 đến 15 năm tùy theo từng mức độ, hành vi vi phạm, có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hay không thì sẽ có mức xử phạt hình sự khác nhau.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa?
Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quy định tại Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 như sau:
(1) Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Căn cứ vào khả năng gây mất an toàn, sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sau:
(i) Sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng;
(ii) Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.
Chính phủ quy định cụ thể việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2.
(2) Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
(3) Quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm thực thi các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải bảo đảm minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Phiếu tự đánh giá tiêu chí đối với chương trình đào tạo mới nhất 2025? Tải mẫu phiếu tự đánh giá ở đâu?
- Bỏ cán bộ không chuyên trách cấp xã theo Kết luận 137? Bố trí cán bộ không chuyên trách cấp xã sau sắp xếp đơn vị hành chính ra sao?
- Thao tác lập luận so sánh trong văn nghị luận là gì? Mục tiêu cần đạt ở môn ngữ văn cấp trung học cơ sở là gì?
- Lịch diễn tập bắn pháo trên bến Bạch Đằng chào mừng lễ 30 4? Số phát đại bác trong nghi thức chính thức?
- Toàn văn Kết luận 137-KL/TW 2025 sáp nhập còn 34 tỉnh thành theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư?