Số giờ nghiên cứu khoa học tối thiểu mà nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện trong năm học là bao nhiêu?
Thế nào là nghiên cứu khoa học? Nghiên cứu khoa học có phải là nhiệm vụ bắt buộc của mọi nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013, nghiên cứu khoa học được hiểu là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn.
Tại Điều 6 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 2 Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH việc nghiên cứu khoa học không được quy định trong nhiệm vụ của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.
Đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp, Điều 3 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:
Nhiệm vụ
1. Công tác giảng dạy, bao gồm:
a) Chuẩn bị giảng dạy: Soạn giáo án, lập đề cương bài giảng, chuẩn bị tài liệu, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy mô-đun, môn học được phân công giảng dạy;
b) Giảng dạy mô-đun, môn học được phân công theo kế hoạch và quy định của chương trình;
c) Đánh giá kết quả học tập của học viên, học sinh, sinh viên gồm: Soạn đề kiểm tra, coi kiểm tra, đánh giá kiểm tra định kỳ.
2. Coi thi, kiểm tra, đánh giá kết thúc mô-đun, môn học; chấm thi tuyển sinh; chấm thi tốt nghiệp; hướng dẫn, đánh giá chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp; đánh giá kết quả nghiên cứu của học viên, học sinh, sinh viên.
3. Hoàn thiện các biểu mẫu, sổ sách quản lý lớp học được bố trí, phân công giảng dạy theo quy định.
4. Hướng dẫn sinh viên làm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có); hướng dẫn thực tập, thực tập kết hợp với lao động sản xuất; luyện thi cho học viên, học sinh, sinh viên giỏi tham gia kỳ thi các cấp.
5. Biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy; góp ý kiến xây dựng chương trình, nội dung mô-đun, môn học được phân công giảng dạy.
6. Tham gia thiết kế, xây dựng phòng học chuyên môn; thiết kế, cải tiến, tự làm đồ dùng, trang thiết bị giáo dục nghề nghiệp.
7. Tổ chức các hoạt động giáo dục và rèn luyện học viên, học sinh, sinh viên.
8. Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.
9. Tham gia bồi dưỡng cho nhà giáo theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của trường, khoa, bộ môn.
10. Nghiên cứu khoa học; hướng dẫn học viên, học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào giảng dạy và thực tiễn sản xuất.
11. Tham gia sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia công tác quản lý đào tạo.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Như vậy, theo các quy định trên thì việc nghiên cứu khoa học không bắt buộc đối với mọi nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp sẽ không cần phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Số giờ nghiên cứu khoa học tối thiểu mà nhà giáo phải thực hiện trong năm học là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Số giờ nghiên cứu khoa học tối thiểu mà nhà giáo phải thực hiện trong năm học là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH, thời gian làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo chế độ tuần làm việc 40 giờ bao gồm công tác giảng dạy, giáo dục, công tác học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học và thực tập.
Theo đó, thời gian nghiên cứu khoa học đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp được xác định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 2 Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH như sau:
- 08 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng;
- 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp.
Về số giờ nghiên cứu khoa học tối thiểu, hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng ngành, nghề đào tạo để quy định về nghiên cứu khoa học đối với nhà giáo và quyết định số giờ nghiên cứu khoa học tối thiểu mà nhà giáo phải thực hiện trong năm học.
Như vậy, pháp luật hiện không quy định cụ thể số giờ nghiên cứu khoa học tối thiểu mà nhà giáo phải thực hiện trong năm học.
Thay vào đó, số giờ này sẽ do hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định.
Nhà giáo không sử dụng hết thời gian để nghiên cứu khoa học thì xử lý thế nào?
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 4 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Thông tư 34/2018/TT-BLĐTBXH như sau:
Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm
1. Thời gian làm việc của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp là 44 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, trong đó:
...
d) Trường hợp nhà giáo sử dụng không hết thời gian để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học theo quy định thì Hiệu trưởng, giám đốc quy đổi thời gian còn lại chuyển sang làm công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng, giám đốc giao. Số giờ quy đổi được tính thêm vào định mức giờ giảng trong năm học của nhà giáo. Tính số giờ quy đổi theo tỷ lệ tương ứng giữa thời gian không sử dụng để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học với thời gian thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh, sinh viên được quy định tại điểm a khoản này. Trường hợp nhà giáo tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao vượt quá quy định tại điểm b khoản này thì được giảm giờ theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 10 Thông tư này.
Như vậy, theo quy định trên, nếu nhà giáo không sử dụng hết thời gian để nghiên cứu khoa học thì Hiệu trưởng, giám đốc quy đổi thời gian còn lại chuyển sang làm công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng, giám đốc giao.
Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người yêu cầu cấp dưỡng khởi kiện thì có phải được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí hay không?
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền là gì? Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền?
- Bị vu khống trộm cắp tài sản xử lý như thế nào? Vu khống người khác trộm cắp tài sản có thể bị phạt bao nhiêu năm tù?
- Giáng sinh ngày mấy tháng mấy? Lễ Giáng sinh là lễ lớn ở Việt Nam? Công dân có những quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nào?
- Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng hoạt động theo chế độ gì? Thành phần tham gia xác minh, kiểm tra hiện trường thanh lý rừng trồng?