Quy định về cấp Giấy phép xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay như thế nào?
Trường hợp nào sẽ phải xin và được miễn giấy phép xây dựng tại tỉnh Hậu Giang hiện nay?
Theo Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 18/2021/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định chung về cấp giấy phép xây dựng như sau:
- Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư, trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều này.
- Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, gồm:
+ Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
+ Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng;
+ Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Luật Xây dựng năm 2020);
+ Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
+ Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ;
+ Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
+ Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 4 của Quy định này;
+ Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
+ Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
- Đối với dự án đầu tư xây dựng có nhiều công trình, giấy phép xây dựng được cấp cho một, một số hoặc tất cả các công trình thuộc dự án khi các công trình có yêu cầu thi công đồng thời, bảo đảm các yêu cầu về điều kiện, thời hạn cấp giấy phép xây dựng và yêu cầu đồng bộ của dự án.
Bên cạnh đó, Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 18/2021/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng như sau:
“Điều 4. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với các trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.”
Quy định về việc cấp giấy phép xây dựng tại Hậu Giang hiện nay như thế nào? Trường hợp nào bắt buộc phải xin cấp giấy phép xây dựng?
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng tại Hậu Giang?
Theo Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 18/2021/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng như sau:
- Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II (trừ nhà ở riêng lẻ và công trình quy định tại khoản 2 Điều này); công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
- Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình nằm trong Khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý, trừ công trình quy định tại khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, Điều 11 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 18/2021/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định về thẩm quyền cấp phép trong các trường hợp đặc biệt như sau:
- Trường hợp dự án gồm nhiều công trình có cấp khác nhau thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho các công trình thuộc dự án được xác định theo công trình có cấp cao nhất.
- Đối với các trường hợp đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc cấp giấy phép xây dựng sửa chữa, cải tạo làm thay đổi quy mô, cấp công trình thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được xác định theo quy mô, cấp công trình mới. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo cấp công trình mới gửi văn bản đề nghị đến cơ quan cấp phép cho công trình trước đó để đề nghị thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp trước khi cấp giấy phép xây dựng mới cho công trình.
- Trường hợp có mâu thuẫn giữa các tiêu chí để xác định thẩm quyền cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng thì Sở Xây dựng là cơ quan quyết định.
Công trình mới xây sẽ được tồn tại trong bao lâu?
Theo Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 18/2021/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định về quy mô, thời hạn tồn tại của công trình xây dựng mới có thời hạn và công trình sửa chữa, cải tạo có thời hạn như sau:
- Quy mô của công trình được cấp phép xây dựng mới có thời hạn
+ Đối với công trình: Quy mô xây dựng tối đa là 02 tầng (tầng trệt và tầng lầu). Mái sử dụng vật liệu nhẹ dạng tấm lợp. Tổng diện tích sàn xây dựng không quá 200m2 trên một thửa đất. Chiều cao công trình tối đa là 10m. Đối với công trình sử dụng vào mục đích phục vụ cộng đồng, an sinh xã hội có nhu cầu vượt quá quy mô vừa nêu thì phải được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận trước khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
+ Đối với nhà ở riêng lẻ: Quy mô xây dựng tối đa là 02 tầng (tầng trệt và tầng lầu). Mái sử dụng vật liệu nhẹ dạng tấm lợp. Tổng diện tích sàn xây dựng không quá 100m2 trên một thửa đất. Chiều cao công trình tối đa là 8m.
- Quy mô của công trình được phép sửa chữa, cải tạo có thời hạn
+ Đối với công trình hiện hữu nằm trong khu vực bảo vệ của di tích, hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật: hành lang an toàn đường bộ, hành lang bảo vệ đập đê, kè, hành lang cây xanh xung quanh sông, kè, ao, hành lang an toàn điện và hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật mà nhà nước chưa có chủ trương, kế hoạch thực hiện di dời các công trình đó ra khỏi khu vực nêu trên thì được phép sửa chữa, cải tạo có thời hạn nhưng không được phép cơi nới, mở rộng, nâng tầng.
+ Đối với công trình hiện hữu nằm trên đất không có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất (đất ven sông, đất lấn chiếm do Nhà nước quản lý nhưng chưa xử lý); đất có giấy tờ hợp pháp nhưng là đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch điểm dân cư nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện, chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được phép sửa chữa, cải tạo có thời hạn theo quy mô, diện tích hiện trạng của công trình.
+ Công trình sửa chữa, cải tạo có thời hạn không được phép thay đổi vị trí xây dựng, tăng quy mô (diện tích xây dựng, diện tích sàn, số tầng) và công năng sử dụng. Việc sửa chữa, cải tạo phải đảm bảo an toàn công trình và an toàn các công trình lân cận, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị (kết cấu công trình như khung, cột, mái, vách… do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Khuyến khích sử dụng các loại vật liệu xây dựng theo hình thức thi công lắp ghép nhằm hạn chế thiệt hại khi tháo dỡ công trình) và chủ sử dụng cam kết chỉ nhận bồi thường (nếu có) theo kết cấu của công trình trước khi sửa chữa, cải tạo (kèm theo bản vẽ hiện trạng).
- Thời gian được phép tồn tại của công trình xây dựng mới có thời hạn và công trình sửa chữa, cải tạo có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch hoặc đến khi có quyết định thu hồi đất, kế hoạch thực hiện di dời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp xác định được chính xác thời điểm thực hiện quy hoạch, nội dung giấy phép xây dựng có thời hạn phải ghi cụ thể thời hạn tồn của công trình theo thời hạn thực hiện quy hoạch.
Trên đây là những quy định về việc cấp giấy phép xây dựng hiện nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bảng tiêu chí xếp hạng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo Thông tư 11? Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý bao nhiêu?
- Phân biệt biển báo cấm dừng xe và cấm đỗ xe 2025? Lỗi đỗ xe không bật đèn cảnh báo ô tô phạt bao nhiêu 2025?
- Hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm mục đích gì?
- Giao xe cho người chưa đủ 16 tuổi phạt bao nhiêu 2025? Lỗi giao xe cho người chưa đủ tuổi bị trừ điểm không?
- Lịch nghỉ Tết J&T 2025 Ất Tỵ chính thức? Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 J&T Express? Quy định thưởng Tết tháng 13 thế nào?