Quy định chung về bảo vệ công trình điện lực mới nhất theo Nghị định 62 2025 như thế nào?
Công trình điện lực là gì?
Theo khoản 9 Điều 4 Luật Điện lực 2024 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
...
9. Công trình điện lực là tổ hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện, mua bán điện, hệ thống bảo vệ công trình điện lực.
...
Theo đó, Công trình điện lực là tổ hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện, mua bán điện, hệ thống bảo vệ công trình điện lực.
Quy định chung về bảo vệ công trình điện lực mới nhất theo Nghị định 62 2025 như thế nào? (Hình từ Internet)
Quy định chung về bảo vệ công trình điện lực mới nhất theo Nghị định 62 2025 như thế nào?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 62/2025/NĐ-CP có nêu rõ về quy định chung về bảo vệ công trình điện lực như sau:
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị điện lực khi phát hiện hành vi trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện, trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ.
- Không sử dụng công trình điện lực vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận của đơn vị quản lý công trình điện lực.
- Không lắp đặt ăng ten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo, nhà lồng, nhà lưới, biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi, văng, rung lắc gây hư hỏng, sự cố công trình điện lực.
- Tổ chức, cá nhân không đào đất, chất tải hoặc hoạt động gây sụt lún hoặc có nguy cơ gây sạt lở, lún sụt công trình lưới điện, trạm điện; không đốt nương rẫy, rác thải, vật liệu, sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình điện lực; không bắn, quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện và các công trình điện lực khác.
- Không thực hiện nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hóa học có khả năng gây ăn mòn hoặc có khả năng làm cháy, gây hư hỏng các bộ phận của công trình điện lực.
- Phương tiện bay được cấp phép phải bảo đảm khoảng cách an toàn đối với công trình điện lực, không được phép bay vào phạm vi 500 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện cao áp, siêu cao áp trên không hoặc 100 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện trên không trung áp ra các phía xung quanh, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.
Bảo vệ an toàn công trình điện lực ra sao?
Tại Điều 67 Luật Điện lực 2024 quy định về bảo vệ an toàn công trình điện lực như sau:
- Đơn vị điện lực và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm, trạm điện, nhà máy phát điện và các công trình điện lực khác theo quy định của pháp luật. Người sử dụng đất có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị điện lực tiếp cận công trình điện lực để kiểm tra, sửa chữa, bảo trì và khắc phục sự cố.
- Khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình điện lực hoặc công trình khác có khả năng gây ảnh hưởng đến nhau thì đơn vị điện lực và tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm sau đây:
+ Phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn về điện và xây dựng;
+ Thông báo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện các nguy cơ, hiện tượng mất an toàn đối với công trình điện lực;
+ Bồi thường khi gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Khi không còn khai thác, sử dụng thì công trình điện lực, thiết bị điện phải được xử lý, tháo dỡ, quản lý bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ an toàn công trình điện lực tại Luật này và luật khác có liên quan; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ an toàn công trình điện lực.
Yêu cầu chung về bảo vệ an toàn nhà máy điện và công trình điện lực khác như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 62/2025/NĐ-CP có nêu rõ về yêu cầu chung về bảo vệ an toàn nhà máy điện và công trình điện lực khác như sau:
- Phải được bảo vệ nghiêm ngặt, xung quanh phải có tường rào hoặc biện pháp bảo vệ để ngăn chặn người không có nhiệm vụ vào nhà máy phát điện, công trình điện lực khác; lắp đặt biển báo an toàn điện theo quy định pháp luật;
- Phòng đặt trang thiết bị điện phải có biển báo khu vực nguy hiểm, đường thoát hiểm, hệ thống chiếu sáng đầy đủ, hệ thống thông gió làm mát thiết bị, cửa thông gió phải có lưới bảo vệ chống sự xâm nhập của các loài động vật;
- Tùy theo đặc tính kỹ thuật và yêu cầu bảo vệ của từng loại trang thiết bị điện, phải đặt lưới bảo vệ, vách ngăn và treo biển báo an toàn điện; phải bảo đảm khoảng cách an toàn từ lưới bảo vệ hoặc vách ngăn đến phần mang điện của trang thiết bị và có các biện pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu của môi trường đến hoạt động của trang thiết bị điện;
- Hệ thống cáp điện trong nhà máy phát điện, công trình điện lực khác phải được sắp xếp trật tự theo chủng loại, tính năng kỹ thuật, cấp điện áp và được đặt trên các giá đỡ. Cáp điện đi qua khu vực có ảnh hưởng của nhiệt độ cao phải được cách nhiệt và đi trong ống bảo vệ;
- Hầm cáp, mương cáp phải có nắp đậy kín, thoát nước tốt, bảo quản sạch sẽ, khô ráo. Không được để nước, dầu, hóa chất, tạp vật tích tụ trong hầm cáp, mương cáp. Hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng điện áp an toàn phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật điện và an toàn điện;
- Các trang thiết bị và hệ thống chống sét, nối đất trong nhà máy điện và các công trình điện lực khác phải được lắp đặt đúng thiết kế và được kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện và an toàn điện.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch được Chính phủ quy định như thế nào đối với nhiệm vụ và quyền hạn về quyền tác giả?
- Cơ sở để xác định hàng hóa xuất khẩu có được miễn thuế theo điều ước quốc tế là gì theo quy định mới nhất?
- Reciprocal Tariff là gì? Điều kiện áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung của Việt Nam theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu?
- Sáp nhập tỉnh thành 2025 thì tỉnh nào trở thành thành phố trực thuộc Trung ương? Danh sách sáp nhập tỉnh thành 2025?
- Cán cân thương mại là gì? Cân bằng cán cân thương mại là mục tiêu được đặt ra trong giai đoạn nào theo Quyết định 493?