QCVN 04:2021/BCA yêu cầu an toàn trong sản xuất kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ thế nào?
Sản xuất kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ phải đáp ứng yêu cầu chung thế nào?
Căn cứ tại Thông tư 125/2021/TT-BCA ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 04:2021/BCA.
Cụ thể, tại Mục 1.5 QCVN 04:2021/BCA ban hành kèm theo Thông tư 125/2021/TT-BCA quy định các yêu cầu chung về an toàn trong sản xuất kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ như sau:
- Địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kho bảo quản trong sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ phải bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định tại Phụ lục 7 Quy chuẩn QCVN 01:2019/BCT.
- Việc đầu tư, xây dựng, sửa chữa, cải tạo cơ sở sản xuất, kho bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, bảo vệ môi trường, an toàn và phòng cháy, chữa cháy.
- Pháo hoa, pháo hoa nổ được phân loại mức độ nguy hiểm theo quy định tại Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.
- Kỹ thuật an toàn
+ Nhà xưởng sản xuất và kho bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ phải bảo đảm kỹ thuật an toàn theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật này;
+ Pháo hoa, pháo hoa nổ trong cùng 01 nhà kho phải sắp xếp riêng biệt theo quy định tại mục 2.1.7.4 của Quy chuẩn kỹ thuật này;
+ Không để pháo hoa nổ trong vùng ảnh hưởng của các nguồn năng lượng điện, cảm ứng điện và tĩnh điện gây ra từ các nguồn thu, phát sóng điện từ, giông sét, đường dây điện cao áp hoặc dòng điện lạc.
- Khi làm việc, tiếp xúc với sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ phải thực hiện đầy đủ những quy định sau:
+ Cấm hút thuốc, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt dưới 100 m so với vị trí để sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ;
+ Không để sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ va đập, xô đẩy hoặc ở khu vực nhiệt độ cao hơn mức quy định của nhà sản xuất;
+ Không chọc, đâm, đẩy, ném, kéo lê vật chứa sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ;
+ Không mang theo người các loại dụng cụ có khả năng phát ra tia lửa, nguồn thu phát sóng điện từ, trừ người được phân công, giao nhiệm vụ phát hỏa;
+ Không đi guốc, giày, dép có đế đóng bằng đinh sắt hoặc đóng cá sắt khi tiếp xúc với sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ;
+ Không sử dụng các dụng cụ đóng, mở vật chứa sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ bằng vật liệu có khả năng phát ra tia lửa.
- Thiết bị điện
+ Sử dụng thiết bị điện phòng nổ, có cấp bảo vệ vỏ ngoài IP từ 54 trở lên trong nhà xưởng sản xuất, kho bảo quản. Trường hợp thiết bị phân phối, đóng cắt điện không phải loại phòng nổ phải đặt trong hộp phòng nổ hoặc lắp đặt ở gian riêng biệt;
+ Cáp cấp điện vào nhà xưởng sản xuất, kho bảo quản phải là loại cáp chôn ngầm dưới đất hoặc đặt trong ống thép bảo vệ chôn dưới đất. Vỏ kim loại của các thiết bị điện đều phải được nối đất và đảm bảo điện trở không lớn hơn 4 Ω;
+ Phải có thiết bị bảo vệ quá tải, ngắn mạch và đảm bảo yêu cầu an toàn về bảo vệ chống rò điện đối với hệ thống thiết bị điện trong cơ sở sản xuất theo quy định của TCVN 7447-4-41:2010;
+ Phải thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn điện khi thực hiện các công việc sửa chữa hoặc thay thế thiết bị điện tại cơ sở sản xuất, kho bảo quản.
- Thiết bị phòng nổ phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm định theo quy định và bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động.
- Phòng chống sét
+ Lắp đặt hệ thống chống sét đánh thẳng, chống sét cảm ứng điện từ, chống sự xâm nhập của điện áp cao đối với nhà xưởng sản xuất, kho bảo quản sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ theo quy định tại QCVN 01:2019/BCT;
+ Việc thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng, kiểm tra, đo đạc, sửa chữa định kỳ hệ thống chống sét thực hiện theo quy định tại TCVN 9385:2012 (BS 6651:1999).
- Phòng cháy, chữa cháy
+ Căn cứ quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy để xác định đối với cơ sở sản xuất, kho bảo quản trước khi xây dựng, đưa vào hoạt động phải được thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;
+ Bảo đảm thực hiện theo quy định về nội quy an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu tại chỗ;
+ Bảo đảm trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở theo quy định tại Thông tư 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; TCVN 2622-1995; TCVN 4513-1988; TCVN 5738:2001; TCVN 7336:2003; TCVN 3890-2009; QCVN 06:2021/BXD và các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác có liên quan;
+ Trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ phải thực hiện theo phương châm 04 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và thực hiện theo phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã được phê duyệt;
+ Thực hiện việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật.
- Bảo vệ môi trường
+ Bảo đảm tuân thủ quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi xây dựng cơ sở sản xuất, kho bảo quản theo quy định tại Thông tư 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
+ Chất thải của cơ sở sản xuất được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định về bảo vệ môi trường theo QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp;
+ Định kỳ kiểm tra nồng độ chất độc hại của môi trường xung quanh khu vực sản xuất theo quy định tại Thông tư 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quan trắc kỹ thuật môi trường.
- Quy trình, nội quy về an toàn
+ Cơ sở sản xuất, kho bảo quản phải xây dựng, ban hành và niêm yết nội quy, quy định, quy trình về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy;
+ Trong khu vực dây chuyền sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ, phải niêm yết nội quy, quy trình làm việc;
+ Trong kho bảo quản phải niêm yết nội quy, quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ.
- Người trực tiếp sản xuất, bảo quản, sử dụng, khi tiếp xúc với sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ phải được bảo đảm trang bị bảo hộ cá nhân phù hợp với tính chất, mức độ độc hại, nguy hiểm.
QCVN 04:2021/BCA yêu cầu an toàn trong sản xuất kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ thế nào?
Địa điểm thử nghiệm pháo hoa, pháo hoa nổ phải đáp ứng yêu cầu nào?
Căn cứ tại tiểu mục 2.1.3 Mục 2.1 QCVN 04:2021/BCA ban hành kèm theo Thông tư 125/2021/TT-BCA quy định các yêu cầu về địa điểm thử nghiệm pháo hoa, pháo hoa nổ như sau:
- Địa điểm thử nghiệm là phòng chống có hệ thống thông gió hoặc bãi trống có nền bằng đất cứng, gạch hoặc bê-tông.
- Địa điểm thử nghiệm phải đảm bảo khoảng cách an toàn đến công trình, đối tượng cần bảo vệ như sau:
+ Từ 100 m trở lên đối với pháo hoa nổ;
+ Từ 0,5 m trở lên đối với pháo hoa loại cầm tay;
+ Từ 10 m trở lên đối với pháo hoa loại không cầm tay.
- Không lưu trữ pháo hoa, pháo hoa nổ qua đêm tại địa điểm thử nghiệm.
Kỹ thuật an toàn trong sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Căn cứ theo Mục 2.1 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2021/BCA ban hành kèm theo Thông tư 125/2021/TT-BCA quy định những yêu cầu kỹ thuật an toàn trong sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ như sau:
- Người sản xuất phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Khi phơi hoặc sấy ngòi, pháo hoa, pháo hoa nổ, phải đặt trên giá đỡ và có người trông coi; giá phơi phải sạch, không có các mảnh gạch, sỏi, đá, kim loại; cấm phơi trực tiếp trên nền gạch, xi măng hoặc sào sắt; khi sấy phải bảo đảm nguồn nhiệt cấp không quá 60°C; ngòi, pháo hoa nổ, pháo hoa không được tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt cấp;
- Dụng cụ cắt ngòi phải sắc và được chế tạo bằng vật liệu không gỉ; khi cắt ngòi phải thao tác chính xác, dứt khoát; ngòi cắt xong phải để trong các vật chứa bảo đảm an toàn;
- Dụng cụ để đưa thuốc pháo vào khuôn đúc hoặc phễu nạp của máy, thiết bị đong nén phải được chế tạo bằng vật liệu không phát sinh tia lửa khi hoạt động;
- Sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ sau khi sấy hoặc phơi khô phải để nguội đến nhiệt độ không lớn hơn 35°C mới đưa vào bảo quản, sử dụng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đề án giải thể đơn vị hành chính cấp huyện có lấy ý kiến của Nhân dân hay không? 06 Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính?
- Thư ký Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập do ai bổ nhiệm? Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thư ký?
- Quy định về cam kết bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 như thế nào? Bên nhận bảo lãnh có quyền và nghĩa vụ ra sao?
- Tải về mẫu biên bản họp Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng hợp nhất để thành lập công ty mới?
- Mẫu phiếu đề nghị xử lý kỷ luật áp dụng đối với đoàn viên công đoàn trong tổ chức công đoàn theo Quyết định 684?