Phân biệt quê quán và nguyên quán? Ghi quê quán và nguyên quán thế nào cho đúng? Thông tin quê quán trên giấy khai sinh bị sai xử lý thế nào?
Thế nào là nguyên quán?
Thông thường, mọi người vẫn thường thấy cụm từ nguyên quán xuất hiện trên thẻ giấy chứng minh nhân dân hoặc trong sổ hộ khẩu giấy. Nguyên quán dùng để xác định nguồn gốc của một người, dựa vào những căn cứ nhất định, như: Nơi sinh sống của ông, bà nội sinh (nếu khai sinh theo họ cha) hoặc ông, bà ngoại sinh (nếu khai sinh theo họ mẹ).
Theo quy định trước đây tại Thông tư 36/2014/TT-BCA, Bộ Công an quy định nội dung ghi trong biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú, sổ hộ khẩu là nguyên quán (ghi theo giấy khai sinh).
Đối với trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.
Từ ngày 01/7/2021 do không còn cấp mới sổ hộ khẩu giấy nên theo Thông tư 56/2021/TT-BCA thì cụm từ nguyên quán không còn được nhắc đến.
Phân biệt quê quán và nguyên quán? Ghi quê quán và nguyên quán thế nào cho đúng? Thông tin quê quán trên giấy khai sinh bị sai xử lý thế nào? (Hình từ Internet)
Phân biệt quê quán và nguyên quán
Quê quán và nguyên quán hiện nay được hiểu như sau:
Nguyên quán
- Nguyên quán được xác định dựa vào nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại.
Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì mới ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.
Trường hợp ghi nguyên quán thì phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.
Quê quán
- Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Như vậy, có thể hiểu quê quán và nguyên quán đều được hiểu là quê, đều dùng là chỉ nguồn gốc, xuất xứ của công dân. Tuy nhiên, nguyên quán được xác định là nguồn gốc, xuất xứ, nơi sinh của ông bà. Còn quê quán được xác định dựa trên nguồn gốc, xuất xứ của cha mẹ.
Ghi quê quán và nguyên quán thế nào cho đúng?
Như đã đề cập ở trên thì hiện nay, cụm từ nguyên quán không còn được sử dụng trong các giấy tờ hộ tịch. Và vì nguyên quán đã không còn được quy định và không còn được nhắc tới tại những văn bản luật hiện hành, do vậy, dựa trên tinh thần của điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA và theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, để xác định cách ghi nguyên quán và quê quán cho đúng thì nguyên quán và quê quán được ghi theo giấy khai sinh của cá nhân.
- Đối với nguyên quán: Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.
- Đối với quê quán: Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về quê quán phải phù hợp với Giấy khai sinh (giấy tờ hộ tịch gốc) của người đó.
Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Thông tin quê quán trên giấy khai sinh bị sai xử lý thế nào?
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:
Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh
1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:
Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch
1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.
2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Dựa vào những quy định trên có thể thấy rằng việc cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Như vậy, trong trường hợp thông tin về quê quán trên giấy khai sinh (giấy tờ hộ tịch gốc) được xác định là có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch thì mới được cải chính, sửa đổi giấy khai sinh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm mục đích gì?
- Giao xe cho người chưa đủ 16 tuổi phạt bao nhiêu 2025? Lỗi giao xe cho người chưa đủ tuổi bị trừ điểm không?
- Lịch nghỉ Tết J&T 2025 Ất Tỵ chính thức? Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 J&T Express? Quy định thưởng Tết tháng 13 thế nào?
- Tải mẫu thông báo dữ liệu phản ánh vi phạm giao thông 2025? Ai tiếp nhận thông tin hình ảnh vi phạm giao thông do cá nhân cung cấp?
- Công trình xây dựng có quy mô lớn thì tiến độ xây dựng công trình cần phải được lập như thế nào?