Những việc công chứng viên không được làm theo Quy tắc hành nghề công chứng mới nhất năm 2025?
Những việc công chứng viên không được làm là gì?
Theo quy định tại Điều 14 Quy tắc hành nghề công chứng ban hành kèm Quyết định 148/QĐ-HĐCCVTQ năm 2025 Tải về, về những việc công chứng viên không được làm, bao gồm:
(1) Những việc công chứng viên không được làm với đồng nghiệp:
(i) Có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm tổn hại uy tín đồng nghiệp.
(ii) Xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận việc về cho mình hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo hoặc công kích, nói xấu đồng nghiệp.
(iii) Gây áp lực, đe dọa gây áp lực hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội với đồng nghiệp để giành lợi thế cho mình trong hành nghề.
(iv) Hoạt động môi giới, nhận hoặc đòi hỏi tiền hoa hồng khi giới thiệu cho đồng nghiệp về yêu cầu công chứng mà mình không đảm nhận.
(2) Những việc công chứng viên không được làm với người tập sự hành nghề công chứng:
(i) Đòi hỏi lợi ích vật chất, tiền bạc từ người tập sự hành nghề công chứng.
(ii) Có hành vi đe dọa, gây hoang mang tinh thần cho người tập sự hành nghề công chứng nhằm tìm kiếm lợi ích cho mình hoặc tổ chức hành nghề công chứng nơi mình hành nghề.
(iii) Phân biệt đối xử giữa những người tập sự hành nghề công chứng do mình hướng dẫn.
(iv) Yêu cầu người tập sự hành nghề công chứng thực hiện các công việc không liên quan đến nội dung tập sự nhằm phục vụ lợi ích cá nhân của công chứng viên hướng dẫn.
(v) Thông đồng với người tập sự hành nghề công chứng để báo cáo sai sự thật, báo cáo khống về kết quả tập sự hành nghề công chứng.
(3) Những việc công chứng viên không được làm với tổ chức hành nghề công chứng:
(i) Xúc phạm hoặc có những hành vi làm tổn hại hình ảnh, uy tín của tổ chức hành nghề công chứng.
(ii) Thông đồng với tổ chức, cá nhân khác gây áp lực buộc người yêu cầu công chứng đến tổ chức hành nghề công chứng của mình để công chứng vì mục đích lợi nhuận.
(iii) Đồng thời hành nghề tại 02 tổ chức hành nghề công chứng trở lên; kiêm nhiệm những công việc bổ trợ tư pháp, quản lý các loại hình doanh nghiệp mà pháp luật nghiêm cấm hoặc đảm nhận các công việc mà thường xuyên phải làm việc trong giờ hành chính.
(iv) Không có mặt thường xuyên tại tổ chức hành nghề công chứng theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính hoặc theo quy định của tổ chức hành nghề công chứng nơi mình đăng ký hành nghề.
(4) Những việc công chứng viên không được làm với tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên:
(i) Không gia nhập hội viên hoặc không duy trì tư cách hội viên của Hội công chứng viên địa phương nơi mình đăng ký hành nghề liên tục trong suốt quá trình hành nghề.
(ii) Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm theo quy định.
(iii) Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của công chứng viên đối với Hội công chứng viên và Hiệp hội công chứng viên theo nội quy của hội, Điều lệ và các Quy chế của Hiệp hội công chứng viên.
(5) Những việc công chứng viên không được làm với tổ chức, cá nhân khác khi hành nghề.
(i) Không giữ gìn phẩm chất, nhân cách và uy tín nghề nghiệp khi tiếp xúc, làm việc với cá nhân, tổ chức khác.
(ii) Thiếu tính độc lập, trung thực, khách quan hoặc có hành vi, thái độ ứng xử không chuẩn mực khi tiếp xúc, làm việc với tổ chức, cá nhân khác.
(iii) Không thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời chức năng xã hội của công chứng viên.
(6) Những hành vi khác mà công chứng viên không được làm theo quy định của Luật Công chứng 2024 hoặc các quy định pháp luật khác có liên quan.
Trên đây là những việc mà công chứng viên không được làm theo quy tắc hành nghề công chứng ban hành kèm Quyết định 148/QĐ-HĐCCVTQ năm 2025.
Những việc công chứng viên không được làm theo Quy tắc hành nghề công chứng mới nhất năm 2025? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên ra sao?
Theo Điều 5 Quy tắc hành nghề công chứng ban hành kèm Quyết định 148/QĐ-HĐCCVTQ năm 2025, quy định trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên như sau:
(1) Công chứng viên phải tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp để bảo đảm tốt nhất tính an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch; có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng của người yêu cầu công chứng một cách nhanh chóng, kịp thời khi yêu cầu công chứng đó không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
(2) Công chứng viên sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết kịp thời yêu cầu công chứng của người yêu cầu công chứng bằng cách thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của Tổ chức hành nghề công chứng.
(3) Công chứng viên có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của hợp đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng; giải đáp một cách rõ ràng những thắc mắc của người yêu cầu công chứng nhằm đảm bảo cho hợp đồng, giao dịch đúng với ý chí của các bên giao kết hợp đồng, giao dịch; đảm bảo các bên có nhận thức đúng về pháp luật có liên quan và giá trị pháp lý của văn bản công chứng trước khi công chứng viên công chứng.
(4) Công chứng viên có trách nhiệm cung cấp cho người yêu cầu công chứng các thông tin có liên quan về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công chứng viên trong hành nghề công chứng theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng.
Công chứng viên có các quyền nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Công chứng 2024 có nêu rõ các quyền của công chứng viên bao gồm:
- Được bảo đảm quyền hành nghề công chứng;
- Thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng, tham gia hợp danh vào Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề công chứng;
- Được công chứng giao dịch theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực;
- Đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, được khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật để thực hiện việc công chứng;
- Quyền khác theo quy định của Luật Công chứng 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

- Danh sách sáp nhập tỉnh thành 2025 theo Nghị quyết 60 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có tên, trụ sở ra sao?
- Điều kiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng 2? Nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng 2?
- Nghị quyết 60-NQ/TW công bố danh sách 34 tỉnh thành sau sáp nhập 2025 dự kiến có tên gọi, trung tâm Chính trị - Hành chính thế nào?
- Cục Việc làm thuộc Bộ Nội vụ có tư cách pháp nhân không? Tên giao dịch quốc tế của Cục Việc làm là gì?
- Kết quả đấu giá biển số xe được thông báo cho người tham gia đấu giá biển số xe thông qua hình thức nào?