Những hoạt động ý nghĩa nên làm vào ngày Rằm tháng Giêng 2024? Đốt vàng mã gây hoả hoạn vào ngày rằm tháng giêng bị xử lý thế nào?
Những hoạt động ý nghĩa nên làm vào ngày Rằm tháng Giêng 2024?
Ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Ngày Tết Nguyên tiêu được coi là một ngày đặc biệt và có ý nghĩa trong văn hóa truyền thống của Việt Nam. Dưới đây là một số hoạt động ý nghĩa mà bạn có thể thực hiện vào ngày Rằm tháng Giêng:
- Cúng Rằm tháng Giêng: Một trong những hoạt động quan trọng trong ngày Rằm là cúng các vị thần, tổ tiên và linh hồn các người đã mất trong gia đình. Gia đình có thể chuẩn bị các món ăn, hoa quả, nến và hương để cúng Tổ tiên.
- Cúng bái đền chùa: Đến đền chùa để cúng tế là một hoạt động phổ biến trong ngày Rằm. Gia đình có thể đến chùa gặp gỡ tụng kinh, cầu nguyện.
- Làm việc thiện: Ngày Rằm cũng là dịp để thể hiện lòng từ bi và từ thiện. Gia đình có thể ủng hộ các hoạt động từ thiện, như quyên góp tiền, thức ăn, quần áo cho những người nghèo khó, trẻ em mồ côi hoặc người cao tuổi.
- Thăm viếng phần mộ Tổ tiên: Rằm tháng Giêng là dịp để gia đình thăm viếng, dọn dẹp và thắp hương cho phần mộ Tổ tiên.
- Lau dọn và thắp hương bàn thờ Tổ tiên: Ngày Rằm, các gia đình nên lau dọn lại bàn thờ gia tiên, tuy nhiên chú ý tuyệt đối không xê dịch bát hương và nên thắp một nén hương, khấn xin Thần linh, tổ tiên về việc mình sẽ lau dọn bàn thờ để cúng Rằm tháng Giêng.
- Dọn dẹp và trang trí nhà cửa: Trong ngày Rằm, nên dọn dẹp và trang trí nhà cửa bằng hoa, lá, trái cây, đèn lồng,…. Điều này giúp cho nhà cửa được tươi mới và có sức sống mới, tạo ra sự đón nhận tốt đẹp cho các phúc lộc trong năm mới.
- Chuẩn Bị Mâm Cỗ Cúng Rằm Tháng Giêng: Mâm cỗ để cúng vào Rằm tháng Giêng vô cùng quan trọng vì ngày này được cho rằng là thời điểm Phật giáng trần, khác biệt so với các ngày rằm khác. Do vậy, gia đình nên chuẩn bị mâm lễ cúng chu đáo, đầy đủ, gồm mâm lễ cúng Phật, mâm lễ cúng gia tiên trong nhà.
- Ăn chay: Ăn chay vào ngày Rằm sẽ giúp tinh thần thanh tịnh và tăng cường sức khỏe.
- Thả đèn hoa đăng: Ngoài những việc kể trên, vào ngày Rằm tháng Giêng, nhiều nơi còn tổ chức hoạt động thả đèn hoa đăng để cầu may mắn, an nhiên và thành công trong suốt một năm tới cho bản thân và gia đình.
Những hoạt động ý nghĩa nên làm vào ngày Rằm tháng Giêng? Đốt vàng mã gây hoả hoạn bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)
Đốt vàng mã gây hỏa hoạn trong ngày rằm tháng giêng 2024 thì người đốt vàng mã bị xử lý như thế nào?
Tại Điều 50 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
....
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều này.
Đồng thời, tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
...
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 4 Điều này.
Đồng thời, tại Điều 180 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm g khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau
Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản
1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Bên cạnh đó, tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 115 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau
Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
..
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
...
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của hành vi đốt vàng mã gây hỏa hoạn vào ngày rằm tháng giêng để xác định người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định trên.
Người lao động có được nghỉ Tết Nguyên tiêu 2024 không?
Tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các ngày nghỉ lễ, tết đối với người lao động như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
...
Như vậy, theo quy định trên, ngày Tết Nguyên Tiêu vẫn là một ngày làm việc bình thường đối với người lao động và người lao động không được nghỉ làm vào ngày này trừ trường hợp đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nếu Tết Nguyên Tiêu trùng lịch tết cổ truyền dân tộc của nước họ thì họ sẽ được nghỉ.
Tuy nhiên, trong năm 2024, Tết Nguyên Tiêu 2024 sẽ rơi vào Thứ bảy ngày 24 tháng 2 dương lịch (nhằm ngày 15 tháng 01 năm 2024 âm lịch) sẽ có 2 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Người lao động có ngày nghỉ hằng tuần vào thứ 7 thì người lao động sẽ được nghỉ trong dịp Tết Nguyên Tiêu 2024.
Trường hợp 2: Người lao động có ngày nghỉ hằng tuần không rơi vào ngày thứ 7 thì người lao động đó vẫn phải đi làm vào dịp Tết Nguyên Tiêu 2024.
Ngoài trường hợp nêu trên, người lao động được nghỉ làm vào ngày Tết Nguyên tiêu 2024 nếu chủ động xin nghỉ phép theo diện phép năm hoặc nghỉ không lương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên nhân thanh lý rừng trồng? Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm gì sau khi hoàn thành việc thanh lý?
- Trong hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung gì?
- Nguyên tắc bố trí kinh phí NSNN cải tạo nâng cấp hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng?
- Nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động? Quy định về việc xây dựng quan hệ lao động?
- Truyện 18+ là gì? Viết truyện 18+ có bị coi là vi phạm pháp luật? Nếu có thì có bị phạt tù không?